Hạ tầng

Đề xuất kéo dài đường sắt, làm đường ven biển kết nối TP.HCM và miền Tây

21/07/2023, 15:34

Các tỉnh, thành ĐBSCL kiến nghị kéo dài đường sắt từ Cần Thơ đi các tỉnh miền Tây, nghiên cứu làm đường bộ ven biển nối TP.HCM với vùng.

Sáng 21/7, tại Cần Thơ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM phối hợp với Sở GTVT thành phố Cần Thơ tổ chức buổi tọa đàm về các dự án kết nối TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

img

Hướng tuyến dự kiến tuyến đường bộ ven biển phía Nam kết nối TP.HCM - ĐBSCL

Kết nối vùng, phát huy lợi thế

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung liên quan đến dự án kết nối giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL. Trong đó đáng quan tâm nhất là dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, tuyến đường bộ ven biển phía Nam kết nối TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL.

Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có chiều dài hơn 175km, đi qua 6 tỉnh thành gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Điểm đầu tại ga An Bình (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối ga Cần Thơ (quận Cái Răng, Cần Thơ). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 220.000 tỷ đồng.

Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án đường sắt tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Hiện các địa phương có tuyến đi qua đang đóng góp ý kiến một số nội dung liên quan đến quy mô, hướng tuyến, diện tích nhà ga, quỹ đất mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).

img

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Còn tuyến đường bộ ven biển phía Nam kết nối TP.HCM - ĐBSCL được nghiên cứu dự kiến có chiều dài khoảng 428km, quy mô đường cấp III đồng bằng với bốn làn xe, với vận tốc thiết kế giai đoạn 1 là 80km/h.

Trong đó, tuyến qua TP.HCM có chiều dài gần 21km, mức đầu tư 3.031 tỷ đồng; Tiền Giang hơn 21km, mức đầu tư 4.113 tỷ đồng; Bến Tre hơn 37km, mức đầu tư 9.808 tỷ đồng; Trà Vinh hơn 59km, mức đầu tư 6.313 tỷ đồng; Sóc Trăng hơn 88km, mức đầu tư 10.762 tỷ đồng; Bạc Liêu dài khoảng 55km, đi trùng đường hiện hữu; Cà Mau khoảng 105km, mức đầu tư 4.421 tỷ đồng. Mức đầu tư các đoạn chưa bao gồm chi phí của các cầu lớn trên tuyến.

Theo đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi), đây là tuyến đường mang tính chất kết nối liên vùng. Cùng với các trục ngang trong khu vực cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... tạo thành hành lang kinh tế, trục động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của của TP.HCM và các địa phương ven biển vùng ĐBSCL.

img

Hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Ngoài ra, tại tọa đàm, đại diện Sở GTVT TP.HCM cũng đã báo cáo về quy mô đầu tư của một số tuyến đường thủy liên kết với các tỉnh. Điển hình là tuyến hành lang đường thủy số 2 qua Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên với chiều dài khoảng 253km, tuyến liên tỉnh số 1 kết nối TP.HCM - Cà Mau qua kênh xáng Xà No có chiều dài khoảng 341km…

Sớm triển khai dự án, phát huy hiệu quả đầu tư

Tại buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo Sở GTVT các địa phương đều cho rằng, thời gian qua Chính phủ, Bộ GTVT đã quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho việc phát triển hệ thống giao thông của vùng, đặc biệt là đầu tư các tuyến cao tốc. Sau khi các dự án cao tốc hoàn thành, việc đầu tư đường sắt và đường thủy là hết sức cần thiết để kết nối giao thông đồng bộ.

Tuy nhiên, các đại biểu lưu ý đơn vị tư vấn, trong quá trình nghiên cứu tuyến đường ven biển phía Nam, cần cập nhật các quy hoạch có liên quan của địa phương, tính toán lựa chọn phương án đầu tư và hướng tuyến tối ưu. Đồng thời nghiên cứu kéo dài tuyến từ tỉnh Cà Mau kết nối với Kiên Giang.

Theo ông Đoàn Huy Hiệp, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang, trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị đã nêu rõ định hướng Cần Thơ là trung tâm logistics của vùng, tiến tới là logistics hàng không. Đồng thời, Kiên Giang sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia.

img

Ông Lê Tiến Dũng, giám đốc Sở GTVT thành phố Cần Thơ nêu ý kiến tại toạ đàm

“Các tỉnh đã có định hướng để phát triển theo chương trình hành động này rồi. Về hạ tầng giao thông, đoạn nào, phát triển theo tỉnh nào thì các địa phương cũng đã có thống nhất để kết nối giao thông đồng bộ với nhau.

Từ đó, tôi đề xuất Tedi nghiên cứu việc kéo dài hướng tuyến đến tỉnh Kiên Giang. Đồng thời trên tuyến này cũng cần phải cập nhật quy hoạch hệ thống cảng biển vào”, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang đề xuất.

Còn ông Đinh Văn To, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang thì đề xuất, sau khi tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ hoàn thành, xem xét việc triển khai thực hiện đường sắt đoạn từ Cần Thơ đến An Giang phục vụ cho việc vận chuyển hành khách, hàng hóa giao thương với nước bạn Campuchia.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ, sau khi hoàn thành việc phát triển hệ thống cao tốc, việc phát triển hệ thống đường sắt, đường thủy là hết sức quan trọng và cần thiết.

“Sản lượng hàng hóa đường sắt vận chuyển là rất lớn, nếu sớm đầu tư khai thác, đây sẽ là thuận lợi lớn cho vùng.

Thành phố Cần Thơ mong muốn đẩy nhanh tiến độ dự án, trước năm 2030 có tuyến đường sắt. Nếu như đưa vào khai thác, từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ còn 45 phút”, ông Dũng nói.

img

Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng việc kéo dài tuyến đường sắt là phù hợp.

Kết thúc buổi tọa đàm, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng việc kéo dài tuyến đường bộ ven biển và kết nối đường sắt đến cửa khẩu quốc tế của tỉnh An Giang là cần thiết.

Từ đó, ông Bằng đề nghị Sở GTVT Cần Thơ tổng hợp các kiến nghị của các địa phương liên quan đến các dự án, gửi về Sở GTVT TP.HCM tổng hợp vào báo cáo chung, trình Bộ GTVT xem xét.

Đồng thời, đề nghị các đơn vị tư vấn cập nhật quy hoạch của các địa phương, sớm hoàn thiện nghiên cứu đề xuất, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Bộ GTVT trong thời gian sớm nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.