Không nên bắt buộc mọi giao dịch phải qua sàn
Chiều 19/6, sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.
Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bất động sản. Việc sửa đổi các dự thảo Luật này cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bám sát định hướng chính sách chung, không tạo ra rào cản về chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Liên quan tới sàn giao dịch bất động sản (Mục 2 Chương VII dự thảo Luật), Ủy ban Kinh tế cho rằng cần phải tôn trọng quyền lựa chọn tham gia giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản của doanh nghiệp và người dân.
"Đề nghị không quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản như tại khoản 1 Điều 57 dự thảo Luật, mà chỉ quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch kinh doanh bất động sản thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản", ông Thanh nói.
Bên cạnh đó, đại diện Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh cần quy định chặt chẽ về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản, tạo cơ sở pháp lý cho sàn giao dịch bất động sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, uy tín, thu hút được các bên tham gia giao dịch.
Bắt buộc giao dịch qua sàn, phần thiệt nhiều thuộc về người dân
Tham gia thảo luận tại tổ về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trước quy định mọi giao dịch bán, cho thuê nhà phải qua sàn tại dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) cho rằng không nên bắt buộc vì sẽ phát sinh chi phí, tăng giá bán và người mua phải chịu.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang)
Trong khi đó, hồ sơ dự án chưa có đánh giá tác động của việc bắt buộc mua bán qua sàn.
"Nội dung này từng bị bãi bỏ, nay khôi phục lại, trong khi Bộ luật Dân sự cũng không quy định, tôi cho là chưa hợp lý", đại biểu Định nhấn mạnh.
Theo đại biểu, quy định cần thiết hơn là công chứng các giao dịch bất động sản thì dự thảo Luật lại không bắt buộc.
"Các nước phát triển (chẳng hạn như đa số các nước trong EU) đều quy định phải công chứng. Trong bối cảnh cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia đang được xây dựng, hoàn thiện, chất lượng hoạt động công chứng ngày càng tốt hơn thì việc công chứng hiệu quả hơn nhiều trong việc ngăn ngừa các hành vi gian lận, tiêu cực", đại biểu nhận xét.
Ông cho rằng, sàn giao dịch thiên về môi giới, trong khi công chứng có ý nghĩa đảm bảo tính pháp lý. Công chứng không thay thế sàn, ngược lại, sàn cũng không thay được công chứng. Chỉ mua bán qua sàn giao dịch thì không đủ đảm bảo tính pháp lý.
Lo ngại sàn giao dịch là sân sau của chủ đầu tư
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho biết, sàn giao dịch bất động sản trong nhiều trường hợp còn là sân sau của chủ đầu tư.
"Tôi đề nghị tất cả các giao dịch đều phải qua công chứng, chứng thực, trừ khi 2 bên mua bán đều là tổ chức", ông Hoà nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp)
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) cho rằng, nếu một sàn giao dịch hoạt động minh bạch, hiệu quả và đảm bảo điều kiện về pháp lý thì qua sàn sẽ chuyên nghiệp hơn, theo xu hướng chung của thế giới.
Dù vậy, qua nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế, trong điều kiện hiện nay, giao dịch qua sàn vẫn chưa quản lý được.
"Đã xuất hiện rất nhiều hiện tượng nhà đầu tư liên kết với sàn giao dịch để nâng giá, tạo ra những cơn sốt ảo, tạo ra những nhu cầu không có thật để đẩy giá các dự án bất động sản lên cao. Hay cũng có những hoạt động không minh bạch về hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản; phát sinh, tạo ra những trung gian, phát sinh chi phí và chưa rõ tính pháp lý của các hợp đồng giao dịch qua sàn", ông Hùng nói và đặt câu hỏi việc này có thay thế được các hợp đồng công chứng hay không?
Do đó, theo ông Hùng, hiện nay chúng ta vẫn quy định sẽ giao dịch qua sàn. Tuy nhiên, quy định sẽ không bắt buộc, chỉ dừng ở mức khuyến khích các giao dịch bất động sản qua sàn.
Nếu các sàn giao dịch dần đi vào hoạt động bài bản, quy củ và có uy tín, minh bạch thì dù có mất thêm chi phí người dân cũng tự nguyện tham gia.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị)
Trao quyền quyết định giao dịch bất động sản cho nhà đầu tư
Cùng góp ý về nội dung này, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) đặt câu hỏi tại sao cứ phải quy định thực hiện giao dịch bất động sản qua sàn. Với các luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp được tham gia, được tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, ký kết hợp đồng.
Hay như Bộ luật Dân sự quy định giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự; chủ thể tham gia giao dịch dân sự là hoàn toàn tự nguyện.
Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét giữ nguyên quy định như luật hiện hành là trao quyền quyết định giao dịch bất động sản cho nhà đầu tư, tạo cho họ một cơ chế thông thoáng, tự lựa chọn chứ không nhất thiết phải qua sàn. Việc này nên giao cho chủ đầu tư có quyền lựa chọn, quyết định.
Theo đại biểu, sàn giao dịch bất động sản không phải là công cụ quản lý nhà nước, không thực hiện các dịch vụ công, chỉ đóng vai trò là môi giới, trung gian và cung cấp thông tin.
"Thực tế đối với các sơ sở pháp lý đầy đủ, chủ đầu tư có năng lực, uy tín thì việc giao dịch trực tiếp không qua sàn vẫn diễn ra thuận lợi, ít rủi ro", đại biểu nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận