Ngày 9/5, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Viện chiến lược) đã có báo cáo Bộ GTVT và đề xuất chọn phương án kết nối Đồng Nai và Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên qua đường Vành đai 4.
Theo Viện Chiến lược, sau cuộc họp lấy ý kiến các Bộ, ngành và địa phương liên quan, trên cơ sở phân tích, so sánh các phương án, Viện Chiến lược kiến nghị lựa chọn phương án không làm đường đi xuyên vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Đồng Nai (Khu bảo tồn).
Hướng tuyến các phương án kết nối đến đường Vành đai 4.
Cụ thể, giao thông kết nối giữa 2 tỉnh Bình Phước - Đồng Nai sẽ mở đường theo phương án như sau: kết nối theo đường ĐT 753 với đường Đồng Phú (Bình Phước) và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (Bình Dương) đến Vành đai 4.
Phương án này có ưu điểm kết nối hướng tuyến từ TP Đồng Xoài đến đường Vành đai 4 thuận lợi, giảm tải cho các tuyến hướng từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Chiều dài từ Đồng Xoài về Vành đai 4 là 71km.
Nếu chọn phương án này sẽ có ưu điểm tận dụng được các đường hiện hữu là ĐT753, ĐH 416 và ĐT746. Các tuyến đường Đồng Phú – Bình Dương đang được đầu tư xây dựng 4 làn xe, quy hoạch 8 làn xe. Đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng hiện cũng đang được đầu tư xây dựng, quy mô rộng 40,5m.
“Để kết nối đến đường Vành đai 4, chiều dài đoạn xây dựng mới khoảng 12km, nâng cấp 4km, có mức đầu tư ít nhất trong các phương án. Mặt khác phương án này ít ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển thế giới, bảo đảm các yêu cầu về môi trường”, báo cáo nêu.
Một góc Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Đồng Nai.
Theo lãnh đạo Viện Chiến lược và phát triển GTVT, sau khi được Bộ GTVT giao nghiên cứu kết nối giao thông Bình Phước với Đồng Nai, trên cơ sở đảm bảo hài hòa cân bằng giữa bài toán phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn, Viện đã xây dựng 4 phương án đầu tư kết nối.
Qua so sánh các phương án, chỉ có 2 phương án chính gồm phương án đi qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới là có nhiều thuận lợi nhưng gặp vướng mắc ảnh hưởng đến môi trường.
Ngoài ra, phương án đi qua vùng lõi còn gặp vướng mắc về các quy định Luật bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp, Luật đa dạng sinh học, Di sản văn hóa… và các công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết. Điều này không nhận được sự đồng thuận của địa phương và các Bộ, ngành nên áp lực rất lớn.
Phương án đi qua vùng đệm ít ảnh hưởng môi trường, đáp ứng được nhu cầu vận tải, kết nối 3 tỉnh Bình Phước - Bình Dương - Đồng Nai.
Ngay sau cuộc họp ngày 29/4 giữa Bộ GTVT, Bình Phước, Đồng Nai và các cơ quan liên quan, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai giao Sở GTVT tỉnh này chủ trì phối hợp Khu bảo tồn và các đơn vị liên quan đề xuất phương án trình Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bôn, PGĐ Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho rằng, ở góc độ cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh, Sở GTVT đồng thuận phương án 2 của đơn vị nghiên cứu, tức tuyến qua vùng đệm, kết nối vào đường Vành đai 4.
“Việc kết nối giao thông giữa Bình Phước là rất cần thiết, sau khi kết nối giao thông góp phần rút ngắn hành trình, thời gian giữa Bình Phước, Bình Dương và các tỉnh Tây Nguyên. Đây là phương án tối ưu nhất để kết nối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải”, ông Bôn cho hay.
Đàn voi rừng gần 20 cá thể đang được bảo vệ nghiêm ngặt trong Khu bảo tồn ở Đồng Nai.
Trước đó, ngày 7/4, Báo Giao thông có bài phản ánh: “Tại sao chưa xây cầu Mã Đà kết nối Bình Phước - Đồng Nai?". Nhiều năm qua tỉnh Bình Phước đã đề nghị Đồng Nai phối hợp làm cầu Mã Đà.
Tuy nhiên, qua hơn 10 năm họp bàn phương án và trao đổi công văn qua lại, hai tỉnh vẫn chưa thống nhất phương án kết nối giao thông.
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại xây cầu, mở đường QL13C đi xuyên vùng lõi rừng, sẽ tác động rất tiêu cực đến môi trường.
Đặc biệt là làm thay đổi căn bản hệ sinh thái rừng của Khu bảo tồn và Vườn quốc gia Cát Tiên, khu vực đã được xem là lá phổi xanh cả vùng Đông Nam bộ và được Unesco công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Khu bảo tồn này nằm cạnh hồ thủy điện Trị An, có chức năng giữ nước, điều hòa khí hậu, ngăn ngừa mưa lũ trên hệ thống sông Đồng Nai đến hạ nguồn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận