Hạ tầng

Đề xuất không vay vốn ODA làm CHK Long Thành

09/08/2019, 06:44

Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (FS) và TCT Cảng hàng không VN (ACV) vừa đề xuất 3 phương án đầu tư CHK quốc tế Long Thành.

img
Đồ họa thông tin: Nguyễn Tường; Ảnh nền: CHK quốc tế Long Thành được thiết kế theo mô hình hoa sen cách điệu

Không sử dụng vốn ODA

Trong báo cáo mới nhất trình Chính phủ về dự án CHK quốc tế Long Thành, Bộ GTVT cho biết, tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (FS) và TCT Cảng hàng không VN (ACV) đã đề xuất 3 phương án đầu tư.

Cụ thể, phương án 1, đầu tư theo định hướng tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư, khai thác cảng đầu tư, có sử dụng vốn vay ODA (cấp phát hoặc cho vay lại). Phương án 2 được Tư vấn và ACV đề xuất là giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng không sử dụng vốn ODA. Trong phương án này, có 2 đề xuất, hoặc giao ACV trực tiếp đầu tư khai thác bằng vốn của ACV, không sử dụng vốn ODA hoặc giao ACV chủ trì thành lập doanh nghiệp mới (pháp nhân mới) với tỷ lệ vốn chi phối của ACV để đầu tư, khai thác cảng.

Theo phương án 3, sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng, dùng vốn của doanh nghiệp dự án, không sử dụng vốn vay ODA theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Sau khi phân tích, đánh giá ưu nhược điểm của các phương án đầu tư trên 6 tiêu chí gồm hành lang pháp lý, vai trò và lợi ích của nhà nước; tiến độ thực hiện dự án, năng lực và kinh nghiệm đầu tư, khai thác của nhà đầu tư, mức độ thu hút nguồn vốn xã hội hoá đầu tư, Tư vấn và ACV đã kiến nghị đầu tư theo phương án 2.1, giao ACV trực tiếp đầu tư khai thác bằng vốn của ACV, không sử dụng vốn ODA.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện gần như tất cả các cảng hàng không lớn và quan trọng của các quốc gia trên thế giới như Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Incheon (Hàn Quốc), Chek Lap Kok (Hồng Kông), Charles de Gaulle (Pháp), Frankfurt (Đức) đều áp dụng mô hình đầu tư, quản lý, khai thác thống nhất bởi một nhà đầu tư, khai thác cảng. Cụ thể, các nhà đầu tư này sẽ tổ chức đầu tư, khai thác các công trình thiết yếu như khu bay, nhà ga hành khách và các hạng mục tiện ích quan trọng như cấp điện nước, thông tin liên lạc…

Các hạng mục khác như ga hàng hoá, dịch vụ cung cấp suất ăn, trung tâm bảo trì, bảo dưỡng tàu bay được nhà đầu tư hợp tác với các nhà đầu tư khác để đầu tư, khai thác hoặc nhượng quyền đầu tư khai thác theo quy định của pháp luật.

Theo ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV, việc DN này làm chủ đầu tư sân bay Long Thành theo phương án 2 sẽ có nhiều ưu điểm. Về pháp lý, các tổ chức hàng không quốc tế đã khuyến cáo một nhà ga nên giao cho một nhà khai thác để đảm bảo đồng bộ thông suốt. ACV đã là nhà quản lý 21 cảng hàng không cả nước, là công ty cổ phần với 95,4% vốn Nhà nước, trong khi đó Long Thành là nhà ga lớn nhất trong mạng lưới sân bay quốc gia thì việc ACV đầu tư và quản lý cảng hàng không này sẽ tạo kết nối đồng bộ với các sân bay khác.

Ông Bình cũng khẳng định, ACV có bộ máy quản lý khai thác sân bay chuyên nghiệp, cam kết thu xếp tài chính tốt nhất bằng vốn doanh nghiệp. Hiện DN này đã tích lũy được một tỷ USD và tiếp tục tích lũy trong giai đoạn 2019-2025, dự kiến cân đối được 1,5 tỷ USD để thực hiện dự án sân bay Long Thành. ACV sẽ chỉ vay một phần hoặc phối hợp với đối tác khác để đầu tư các hạng mục.

“Chúng tôi có thể đầu tư cả khu bay, đường kết nối sân bay và nhà ga để đảm bảo tính đồng bộ cho sân bay, đạt tiến độ khai thác”, ông Bình nói.

Kiến nghị Thủ tướng, Hội đồng thẩm định Nhà nước lựa chọn phương án ACV đề xuất, để có thể khởi công công trình vào đầu năm 2021 và hoàn thành trong năm 2025 như nghị quyết Quốc hội, Bộ GTVT cho rằng, mặc dù ACV chưa đầu tư cảng hàng không mới có quy mô tương tự, nhưng ACV đã có kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án riêng lẻ như xây dựng đường cất hạ cánh tại sân bay Phú Quốc, Cần Thơ; đầu tư sân đỗ tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng; đầu tư nhà ga mới tại T2 Nội Bài, T2 Tân Sơn Nhất...

Sân bay Long Thành hiện đại cỡ nào?

Dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư khái toán là hơn 336,6 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ USD), trong đó, giai đoạn 1 là hơn 114,4 nghìn tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 5.000ha (diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng là 2750ha, diện tích đất cho quốc phòng là 1.050ha, diện tích đất cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200ha.
Dự án được chia làm 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm, ga hàng hoá 1,2 triệu tấn hàng hoá/năm, chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hoá/năm. Giai đoạn 3 sẽ hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hoá/năm.


Là sân bay “sinh sau, đẻ muộn”, rất nhiều người quan tâm sân bay Long Thành sẽ hiện đại cỡ nào, có áp dụng được những công nghệ mới nhất hiện này hay không?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Bách Tùng, Giám đốc Công ty Tư vấn và thiết kế công trình hàng không (ADCC) - một thành viên trong liên danh tư vấn JFV khẳng định: “Dự án sẽ được áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới. Những công nghệ tại Long Thành sẽ hiện đại không kém CHK Changi (Singapore), thậm chí, phải hiện đại hơn vì mình đi sau, có cơ hội tích hợp, ứng dụng những công nghệ mới hơn”.

Thực tế, trong báo cáo FS dự án đã được trình Thủ tướng và Hội đồng Thẩm định Nhà nước, Tư vấn JFV đã đề xuất áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào khâu làm thủ tục hành khách, xuất nhập cảnh để hỗ trợ việc nhận dạng, danh tính thông qua dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt, dấu vân tay...), giúp thủ tục được nhanh chóng, chính xác; đồng thời nhận diện hành khách trong danh sách cấm bay, đưa ra cảnh báo kịp thời cho lực lượng an ninh.

Bên cạnh các hệ thống truyền thống, CHK quốc tế Long Thành còn được trang bị các hệ thống siêu hiện đại áp dụng những công nghệ mới nhất hiện nay như: Hệ thống làm thủ tục hành khách tự động (selfkios), hệ thống làm thủ tục ký gửi hành lý tự động (self baggage drop), hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động, cửa ra máy bay tự động…

CHK quốc tế Long Thành cũng sẽ có một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, được thiết kế cho sân bay thông minh để quản lý toàn bộ nguồn dữ liệu của sân bay (thông tin về chuyến bay, điều hành bay, xuất nhập cảnh, hải quan…) từ đó giúp nhà điều hành sân bay có thể phân bổ khai thác cho toàn bộ sân bay (cửa ra máy bay, địa điểm làm thủ tục, bến đậu, cất, hạ cánh…) một cách hiệu quả nhất cũng như giúp nhà quản lý vận hành sân bay có thể giám sát, phát hiện, xử lý các vấn đề an ninh nhanh chóng và hiệu quả.

“Áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào CHK quốc tế Long Thành để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, tăng cường an ninh an toàn sân bay”, đại diện tư vấn khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.