Hạ tầng

Đề xuất làm đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2

15/07/2022, 17:52

UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy Tiền Giang đề xuất đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2.

Chiều 15/7, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng BOT. Đề xuất gửi tới Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Theo đó, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 được Bộ GTVT phê duyệt và đã xây dựng với bề rộng nền đường 17m, gồm 4 làn xe và dải phân cách giữa, có bố trí điểm dừng xe khẩn cấp ngắt quãng, có tổng mức đầu tư là 12.668 tỷ đồng.

img

Đề xuất sớm làm dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2

Dự án đến nay đã được đưa vào sử dụng và khối lượng giải ngân đạt khoảng 10.270 tỷ đồng (bao gồm 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và 8.084 tỷ đồng vốn Nhà đầu tư huy động), hạn mức tín dụng còn lại hơn 1.000 tỷ đồng có thể huy động cho giai đoạn 2 trong trường hợp các nhà đầu tư, ngân hàng cho vay vốn giai đoạn 1 tiếp tục tài trợ.

Cũng theo ông Bon, trong thời gian khai thác miễn phí, từ ngày 30/4 - 21/6, đơn vị quản lý vận hành đã phục vụ 1.113.000 lượt xe lưu thông trên tuyến (trung bình trên 30.000 lượt xe/ngày đêm); xảy ra 38 vụ va chạm giao thông (trong đó có 1 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 2 người chết và 1 người bị thương); tổ chức cứu hộ 297 trường hợp các phương tiện bị hỏng, chết máy, nổ lốp, hết nhiên liệu; tiếp nhận giải đáp thắc mắc và sự cố qua số hotline gần 800 cuộc gọi.

Lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (49,6km) và Trung Lương - Mỹ Thuận (51,5km) hiện nay quá lớn. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán cách đây hơn 10 năm, đến nay không còn phù hợp với sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu của người dân. Trong khi đó cả 2 tuyến đã hoàn thành giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn thiện 8-10 làn xe (bao gồm 2 làn dừng khẩn cấp), nhưng chưa được đầu tư giai đoạn 2.

Riêng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã không thu phí từ năm 2019, nên thiếu nguồn kinh phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng làm chất lượng công trình xuống cấp, ảnh hưởng nhu cầu đi lại an toàn của người tham gia giao thông.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (giai đoạn phân kỳ), chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp có chiều rộng khoảng 2m bao gồm vạch sơn (toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến với khoảng cách trung bình 10km/1 dải/1 chiều), việc bố trí này không khả thi trong quá trình khai thác sử dụng vì khi xe gặp sự cố không thể tự chạy tới điểm dừng, đồng thời phương tiện cứu nạn, cứu hộ sẽ không kịp thời xử lý các sự cố ở mọi vị trí theo thời gian quy định của chỉ dẫn kỹ thuật.

Mặt khác, Chính phủ có chủ trương đẩy nhanh việc đầu tư hoàn thành các tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu… cần kết nối đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.

Do vậy, quy mô hiện nay của tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận tạo ra “hiện tượng nút thắt cổ chai” gây tắc nghẽn nghiêm trọng, không đảm bảo cho việc nhanh chóng lưu thông trên toàn tuyến.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã làm việc với doanh nghiệp dự án, thống nhất đầu tư cao tốc giai đoạn 2 theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), tổng chi phí hơn 9.500 tỷ đồng gồm lãi vay. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 4.700 tỷ đồng (chiếm khoảng 50% tổng đầu tư), dự kiến giai đoạn 2 sẽ hoàn thành trong năm 2025.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.