Đề xuất tổ chức tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho tòa án cấp tỉnh
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có Tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).
Theo đó, Tờ trình tiếp tục nêu rõ việc đề xuất đổi mới tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử.
Cụ thể, dự thảo luật quy định tổ chức TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện (ví dụ: TAND phúc thẩm Hà Nội, TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm…).
Việc này để thể chế hóa nhiệm vụ bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử được đề ra tại Nghị quyết số 27 của Trung ương.
Theo ông Bình, thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất tăng thẩm quyền cho TAND sơ thẩm khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có đủ năng lực điều tra, truy tố, xét xử tất cả các loại vụ việc.
TAND phúc thẩm sẽ có nhiệm vụ chính yếu là xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Đề xuất thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu phải tuyên thệ
Dự thảo luật dành riêng một mục quy định về chức danh tư pháp là thẩm phán bổ sung một số điều kiện, tiêu chuẩn.
Theo dự thảo, thẩm phán là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của luật này được Chủ tịch nước bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan.
Dự thảo đề xuất thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp; thực hiện nhiệm vụ được giao một cách trung thực, tận tâm.
Thực hành công lý chỉ tuân theo pháp luật, khách quan và công bằng; tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán.
Lời tuyên thệ có giá trị cho suốt thời gian làm nhiệm vụ thẩm phán. Chánh án TAND tối cao quy định nội dung, cách thức tuyên thệ.
Dự thảo bổ sung ngạch thẩm phán gồm thẩm phán TAND tối cao (hai bậc) và thẩm phán (9 bậc). Còn luật hiện hành quy định các ngạch thẩm phán TAND tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp.
Việc quy định hai ngạch thẩm phán nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành trong việc điều động, bố trí, thực hiện chính sách cho thẩm phán, nâng cao niềm tin của người dân đối với cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.
Khuyến khích thẩm phán chuyên tâm phấn đấu cho hoạt động xét xử để trở thành các chuyên gia có trình độ cao.
Dự thảo luật bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm bao gồm độ tuổi, thâm niên giữ ngạch, phẩm chất đạo đức và tín nhiệm, chất lượng công việc đã hoàn thành.
Ngoài các tiêu chuẩn về thẩm phán hiện có, dự thảo luật bổ sung thêm tiêu chuẩn có độ tuổi từ đủ 28 tuổi trở lên. Với thẩm phán TAND tối cao có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên, đã là thẩm phán bậc 6 từ đủ ba năm trở lên.
Đáng chú ý, người không công tác tại các tòa án nhưng có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của TAND tối cao theo quy định của pháp luật có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán TAND tối cao.
Cụ thể là người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao.
Chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Tuy nhiên, dự thảo quy định với trường hợp này, số lượng thẩm phán TAND tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm tối đa hai người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận