Cần hơn 9.200 tỷ đồng để miễn học phí cho con nhà giáo
Ngày 8/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 với dự án luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thẩm tra sơ bộ của các ủy ban Quốc hội với dự án Luật này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự án Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin...
Một trong số các chính sách đáng chú ý trong dự án Luật Nhà giáo là chính sách tiền lương và phụ cấp ưu đãi nghề.
Theo dự thảo, bảng lương của giáo viên mầm non, phổ thông công lập có sự điều chỉnh để phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của công việc đối với nhà giáo ở các cấp học.
Đồng thời phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến điều chỉnh đối với cấp mầm non tăng thêm 10% và tiểu học tăng thêm 5%. Chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ vào khoảng 1.068 tỷ đồng/tháng, tức hàng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỷ đồng.
Về quy định tuyển dụng nhà giáo, dự thảo nêu, giáo viên xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu thực hiện theo phương án này, chi phí phát sinh tăng thêm để trả lương nhà giáo sẽ khoảng 22 tỷ đồng/tháng. Tức hàng năm ngân sách phải bổ sung 264 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dự thảo cũng đề xuất Nhà nước sẽ trả tiền học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác từ mầm non đến đại học. Căn cứ vào độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, số tiền học phí cần trả thêm hàng năm là hơn 9.200 tỷ đồng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, dự thảo Luật cần được hoàn thiện theo hướng đánh giá tác động tới đâu thì quy định phạm vi, đối tượng điều chỉnh tới đó, đưa Luật thực sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Dẫn số liệu từ Báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ để thực hiện chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên cần khoảng hơn 9.200 tỉ đồng/năm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nguồn lực này là tương đối lớn.
"Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để chúng ta bố trí chi hàng năm? Các đồng chí phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số nêu rõ nguyên tắc quản lý và phát triển AI
Cũng trong ngày 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến lần đầu dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mục đích ban hành luật nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước và tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Theo ông Hùng, luật này cũng nhằm khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.
Dự thảo luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, nêu rõ nguyên tắc quản lý và phát triển AI (trí tuệ nhân tạo), đề ra các chính sách ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số.
Theo đó, việc ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số dựa trên nguyên tắc tham chiếu đến các quy định về ưu đãi hiện hành trong pháp luật về đầu tư, thuế, tín dụng, công nghệ cao…
Ngoài ra, dự luật quy định thêm một số ưu đãi trọng tâm, trọng điểm cho một số dự án đặc biệt, đặc thù trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, tập trung vào sản phẩm trọng điểm, phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu trí tuệ nhân tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ số.
Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá, dự thảo luật cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan.
Để dự án luật có tính khả thi cao, bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị cần xác định rõ mối quan hệ giữa dự luật này và Luật Công nghệ thông tin (CNTT) hiện hành.
Đồng thời nghiên cứu và chỉnh lý theo hướng thay thế toàn bộ Luật Công nghệ thông tin bằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật này và tiếp tục bổ sung các quy định còn hiệu lực của Luật CNTT vào dự thảo này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận