Đề xuất mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 biển số, 1 ô tô được cho là trái với quy định của Hiến pháp. Ảnh minh họa |
Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 23/1, trả lời câu hỏi của PV liên quan đến đề xuất mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 biển số, 1 ô tô của Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định, đề xuất này chưa hợp lý, chưa phải phương án tối ưu nếu đối chiếu với các quy định trong Hiến pháp.
“Từ góc độ pháp luật dân sự kinh tế chúng tôi thấy rằng đề xuất đó có thể chưa hoàn toàn hợp pháp, chưa hợp lý, chưa phải phương án tối ưu trong bối cảnh chúng ta tôn trọng quyền con người, quyền công dân, quyền sở hữu tài sản. Nếu hạn chế quyền con người, quyền công dân, quyền sở hữu tài sản thì không phù hợp theo Hiến pháp”, ông Tú nói và cho biết, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy để hạn chế phương tiện xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông phải sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ khác nhau. Ví dụ như đánh thuế, thu lệ phí dựa trên đầu phương tiện.
“Sở hữu một xe ô tô đã đánh thuế cao rồi, nhưng từ xe thứ hai trở lên thì số tiền thuế sẽ được tính luỹ tiến lên và phải trả rất nhiều tiền nếu muốn sở hữu tiếp chiếc xe ô tô thứ 3-4. Có nghĩa là người nhiều tiền muốn sở hữu nhiều xe ô tô thì phải trả nhiều tiền thuế tương ứng. Rồi họ còn áp dụng quy định thu phí khi lưu thông vào khu vực đông dân cư, thường xuyên tắc nghẽn giao thông. Nếu đi vào giờ cao điểm thì cũng phải chịu thuế phí cao hơn… Tôi cho rằng nếu làm thế thì mới đáp ứng được yêu cầu của Hiến pháp và pháp luật dân sự”, ông Tú nêu quan điểm.
Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cũng cho rằng, các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đã được bàn thảo rất nhiều và hiện nay vẫn đang được nghiên cứu để tìm ra phương án tốt nhất. “Giải pháp tốt nhất phải là phải vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước nhưng cũng phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền đi lại của công dân…”, ông Hiển nhấn mạnh.
Liên quan đến việc bồi thường oan sai cho những người như ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long..., Cục Bồi thường nhà nước đã hỗ trợ gì và có đưa việc ứng tiền bồi thường vào dự thảo Luật Bồi thường nhà nước đang được sửa đổi hay không, ông Trần Việt Hưng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước cho biết, quá trình xây dựng dự thảo đã đưa ra vấn đề này. “Cơ bản những vấn đề của Chính phủ trình đã được đồng ý, hiện nay đang báo cáo Bộ trưởng để trao đổi lại với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, có tạm ứng, đây là quy định nếu được thông qua sẽ đem lại thuận lợi cho người bị, cơ quan nhà nước cũng giảm bớt đi khó khăn vướng mắc trong giải quyết bồi thường”, ông Hưng cho biết.
Trước đó, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đưa ra đề xuất, thời gian tới Chính phủ và các bộ ngành cần có quy định về việc hạn chế đăng ký biển số xe ô tô. Theo đó, mỗi công dân chỉ được sở hữu một ô tô và một biển số, nếu có nhu cầu đổi xe thì vẫn sử dụng biển số cũ. Việc này sẽ hạn chế tăng phương tiện cá nhân, thuận tiện trong việc quản lý xe chính chủ. Lý giải việc đưa ra đề xuất này, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, hiện Hà Nội đang gánh áp lực giao thông rất lớn, mỗi tháng có 16.000 xe máy và 500 ô tô đăng ký mới, nâng tổng số phương tiện lên gần 6 triệu mô tô, khoảng hơn 600.000 ôtô và 350.000 xe đạp điện, chưa kể hàng nghìn xe công và các phương tiện ngoại tỉnh. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính tư pháp- Bộ Công an cho biết, hiện pháp luật không quy định mỗi người được sở hữu bao nhiêu chiếc xe, bao nhiêu biển số... Bởi thế, nếu áp dụng quy định này rất nhiều luật, nghị định, thông tư sẽ phải sửa đổi để cho phù hợp. Trong khi đó, một số luật sư cũng nêu quan điểm, quy định mỗi người chỉ được cấp một biển số xe dùng trọn đời có thể hợp lý. Tuy nhiên, quy định mỗi người chỉ được sở hữu 1 ô tô là vi hiến, bởi Hiến pháp quy định mọi công dân có quyền mua bán bất cứ tài sản nào mà nhà nước không cấm, mỗi người có quyền định đoạt, lựa chọn, sở hữu phương tiện để sử dụng. |
Xem thêm Video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận