Bỏ thủ tục chuyển tuyến với người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo
Ngày 25/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVHQ) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta.
Bên cạnh đó, bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từng bước giảm tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Về một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Cùng với đó, sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trên cơ sở giữ ổn định tỉ lệ hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dự thảo Luật đã bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, như: Dân quân thường trực, người tham gia kháng chiến và bảo vệ tổ quốc theo quy định của Chính phủ; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách Nhà nước.
Đảm bảo bình đẳng về quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế
Về phía cơ quan thẩm tra, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi hưởng, mức hưởng bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng.
Trong bối cảnh dự án Luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo khi chưa đánh giá tác động kỹ lưỡng đến ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế cần thận trọng đối với việc mở rộng quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế; hạn chế điều chỉnh mức hưởng, phạm vi được hưởng với một số nhóm đối tượng và cần đảm bảo bình đẳng về quyền lợi giữa các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có tính chất tương đồng.
Về thanh, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và quy định của Luật Bảo hiểm y tế về giám định bảo hiểm y tế, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến cho rằng vấn đề bức xúc nhất hiện nay trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế là việc đánh giá tính hợp lý của cung cấp dịch vụ y tế khi giám định bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, việc ‟treo" quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế là do khó đạt được thống nhất giữa cơ quan thực hiện giám định và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tính hợp lý của việc cung ứng dịch vụ; có ý kiến cho rằng bảo hiểm xã hội không đủ năng lực để thực hiện. Do vậy, đề nghị nghiên cứu sửa lại khái niệm "giám định bảo hiểm y tế" tại Luật hiện hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận