Nhiều ý kiến đề xuất cần nâng ngưỡng thu thuế đối với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh từ 100 triệu đồng trở lên. Bởi sau nhiều năm áp dụng, quy định này đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế.
Với ngưỡng xác định chịu thuế 100 triệu đồng, doanh thu mỗi ngày chỉ cần đạt 273.000 đồng là phải đóng thuế.
Ngưỡng xác định chịu thuế 100 triệu đồng từ nhiều năm nay được xem là quá thấp, bởi doanh thu mỗi ngày chỉ cần đạt 273.000 đồng là phải đóng thuế (Ảnh minh họa)
Ngưỡng kinh doanh thấp hơn làm công ăn lương
Chị Nguyễn Cẩm Vân cùng một người bạn hùn vốn mở một quán cà phê tại quận Đống Đa (Hà Nội), nộp thuế theo hình thức khoán.
Chị Cẩm Vân cho biết, sau khi Hà Nội gỡ các biện pháp phong tỏa, quán cà phê của chị cũng mở cửa trở lại đón khách. Tuy nhiên, do lo ngại bệnh dịch nên lượng khách chỉ còn khoảng 1/3 so với thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Chị Cẩm Vân tiết lộ, hiện nay doanh thu của quán chỉ loanh quanh trên dưới 30 triệu đồng/tháng, tương đương 1/5 so với trước khi có dịch.
“Nếu trừ đi các chi phí như tiền thuê mặt bằng, chi phí thuê nhân viên, chi phí khấu hao máy móc, chi phí nguyên liệu… thì chỉ hòa vốn, may mới lãi đôi triệu. Nhưng không thể đóng cửa vì tiền thuê mặt bằng thì trả theo năm rồi, máy móc để một chỗ cũng không ổn. Hơn nữa, mở cửa quan trọng là để duy trì khách hàng”, chị Cẩm Vân nói.
Không giống quán cà phê, gia đình bà Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kinh doanh thuốc tân dược nên dù bối cảnh dịch bệnh vẫn không ảnh hưởng nhiều.
Bà Lan cho biết, gia đình bà có hai hiệu thuốc nhỏ, một hiệu thuốc mở tại tầng 1 ngay tại nhà, một hiệu thuốc đi thuê mặt bằng.
Mới đây gia đình cũng mở thêm một cửa hiệu nữa tại khu chợ dân sinh. Theo tiết lộ của bà Lan, doanh thu của hiệu thuốc mới mở tại khu chợ khả quan nhất, 50 - 60 triệu đồng/tháng, cao hơn so với hai hiệu thuốc còn lại. Tuy nhiên, nếu tính cả ba hiệu thuốc tân dược này, doanh thu hàng tháng cũng hơn 100 triệu đồng.
Chị Cẩm Vân tính toán, ngưỡng chịu thuế của cá nhân kinh doanh như chị hay hộ kinh doanh như bà Lan nộp theo hình thức khoán hiện nay thấp hơn nhiều so với em gái chị, là một viên chức đang làm công việc hành chính.
Bởi theo quy định hiện nay, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng thì phải nộp thuế. Trong khi em gái chị Cẩm Vân cũng như nhiều người làm công ăn lương có thu nhập trên 132 triệu đồng (nếu không có người phụ thuộc), trên 184,8 triệu đồng (nếu có một người phụ thuộc), trên 237,6 triệu đồng (nếu có hai người phụ thuộc)… mới phải nộp thuế.
Quy định từ gần 10 năm, giá cả đã thay đổi nhiều
Trong bản gửi Bộ Tài chính mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC về hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trong bản kiến nghị, VCCI cho biết, đã nhận được một số ý kiến phản ánh về ngưỡng chịu thuế thu nhập của hộ, cá nhân kinh doanh.
Theo đó, ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh là 100 triệu đồng được quy định từ năm 2014.
Ngưỡng này đã được xây dựng từ gần 10 năm và không còn phù hợp trong thời điểm hiện nay bởi giá cả đã thay đổi khá lớn so với thời điểm bắt đầu áp dụng.
Đặc biệt, VCCI cũng nhấn mạnh vấn đề ngưỡng chịu thuế thu nhập từ kinh doanh thấp hơn nhiều khi so sánh với ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công.
Và thực tế, bản thân ngưỡng chịu thuế của thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công thời gian qua cũng được điều chỉnh theo nguyên tắc khi lạm phát giá cả cộng dồn đạt 20%.
Trên cơ sở đó, VCCI đã đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định về ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, theo quy định của pháp luật ai tham gia kinh doanh đều phải có nghĩa vụ đóng thuế vào ngân sách.
Ngưỡng chịu thuế là bao nhiêu cũng được Quốc hội xem xét quyết định và được luật hóa.
“100 triệu đồng thực ra chỉ là mốc để xem xét tính thuế. Với các ý kiến đề xuất nâng ngưỡng chịu thuế có liên hệ với thuế thu nhập cá nhân, ở đây cũng có ý là hộ kinh doanh nhỏ, cá nhân kinh doanh nhỏ và theo hướng đáp ứng điều kiện sống và nên xem xét ở mức phù hợp với thực tế”, TS. Đinh Trọng Thịnh nói và cho rằng, đã đến lúc nâng ngưỡng này lên 150 hoặc 200 triệu đồng.
Thông tin với Báo Giao thông, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết: “Nên muốn sửa thì phải sửa luật. Đề xuất sửa thì Bộ Tài chính cũng đã đề xuất nhiều, cùng với các nội dung sửa luật khác như Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế, nhưng phải đưa được vào chương trình sửa luật của Quốc hội rồi mới được đưa ra bàn thảo. Vừa rồi, chúng ta mới sửa được Luật Quản lý thuế và đưa vào chương trình sửa Luật Thuế giá trị gia tăng. Còn Luật Thuế thu nhập cá nhân chưa được đưa vào chương trình nào”.
Với nguyên tắc điều chỉnh theo CPI như với thuế thu nhập cá nhân, bà Lan cho biết, luật giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh, song không có quy định tương tự áp dụng cho thu thuế đối với thu nhập của cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh.
Đối với ngưỡng thu thuế từ 100 triệu đồng trở lên với của hộ và cá nhân kinh doanh, bà Lan cho biết, phải đợi khi nào thực hiện sửa luật, lúc đó sẽ có đánh giá và đề xuất cụ thể.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 92 được Chính phủ ban hành tháng 10/2021, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do phong tỏa, cách ly xã hội một hoặc nhiều khu vực trên địa bàn, sẽ được miễn số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phải nộp phát sinh trong quý III và quý IV năm 2021.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận