Điểm đáng chú ý trong văn bản của Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới thuỷ bộ Quảng Trị là việc lãnh đạo trung tâm này cho rằng người lao động đăng kiểm làm việc trong môi trường độc hại nhưng không có chế độ độc hại. Tiền lương có sự chênh lệch lớn giữa các loại hình đơn vị đăng kiểm nhà nước, công ty cổ phần, tư nhân.
Thời gian gần đây, Nhà nước thay đổi chính sách liên quan đến công tác kiểm định như: miễn kiểm định lần đầu đối với phương tiện; gia hạn cho xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (có thời gian sản xuất đến 7 năm và thời gian sản xuất từ 13 đến 20 năm); Điều chỉnh tăng chu kỳ kiểm định cho loại phương tiện xe tải có năm sản xuất từ 20 đến 25 năm tăng từ 3 tháng lên 6 tháng, dẫn đến nguồn thu của các đơn vị đăng kiểm bị giảm sút nghiêm trọng.
Mức thu tiền kiểm định thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính từ năm 2013 đến nay vẫn chưa được điều chỉnh, trong khi đó tiền lương và các khoản chi phí phục vụ cho hoạt động kiểm định ngày càng tăng, chưa bù đắp được chi phí phát sinh thực tế, đặc biệt là phát sinh khoản tiền thuê đất khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014.
"Với cơ cấu giá kiểm định hiện hành chưa tính đến chi phí tiền thuê đất và bù đắp các khoản chi phí phát sinh và tăng giá, đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực đăng kiểm, không đảm bảo tiền lương cho cán bộ, viên chức và người lao động", lãnh đạo trung tâm này cho hay.
Từ đây, đơn vị này kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Bộ Tài chính kịp thời điều chỉnh tăng mức giá kiểm định cho phù hợp.
Đáng chú ý, trung tâm này đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định tiền lương đặc thù tối thiểu cho toàn ngành đăng kiểm mức lương phù hợp, bảo đảm cuộc sống của đăng kiểm viên; Ban hành chế độ phụ cấp độc hại, đối với cán bộ, viên chức, người lao động chuyên ngành đăng kiểm để áp dụng thống nhất trên cả nước.
Cục ĐKVN cho biết, đã nhận được văn bản kiến nghị, đề xuất của đơn vị đăng kiểm Quảng Trị và sẽ sớm xem xét, trả lời trong thời gian tới.
Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp như dự báo lượng phương tiện kiểm định cuối năm 2023 và năm 2024 để các Sở GTVT, TTĐK chủ động trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới, đồng thời tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền có các giải pháp phù hợp đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân.
Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ để sớm ban hành Nghị định cho phép Bộ GTVT ban hành giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành theo hình thức giá tối đa, trên cơ sở đó Bộ GTVT sớm ban hành Thông tư điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành.
Cùng với đó, xem xét nội dung dự thảo thông tư quy định giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận và Tem kiểm định để sớm được ban hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận