Chiều nay (11/4), Bộ GTVT tổ chức họp báo cáo cuối kỳ dự án “Xây dựng chiến lược ATGT đối với xe máy và kế hoạch hành động: một khởi đầu Việt Nam”.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT cho biết, dự báo, xe máy còn là phương tiện lưu thông chính của người dân trong thời gian rất dài, có thể đến vài chục năm nữa. Điều này đồng nghĩa, lượng xe máy sẽ tiếp tục gia tăng và vấn đề ATGT đối với người điều khiển loại hình phương tiện này được đặt ra một cách cấp thiết để có thể mục tiêu giảm TNGT từ 5 - 10% đã đặt ra.
“Dự án xây dựng chiến lược ATGT với xe máy do Quỹ hội nhập Nhật Bản - ASEAN (JAIF) tài trợ là tài liệu quan trọng giúp Bộ GTVT và các cơ quan liên quan có kế hoạch đảm bảo ATGT từ này đến năm 2025 và chiến lược đến năm 2030”, ông Thạch nói.
TS. Nguyễn Hữu Đức, Giám đốc dự án cho biết, Việt Nam đang đứng đầu các nước ASEAN về tỷ lệ xe máy trên tổng số phương tiện cơ giới đường bộ. Nếu giai đoạn 1999 - 2000, số lượng xe máy bình quân mỗi năm tăng 500.000 xe (18,04%), những 2001 - 2006, giai đoạn xe máy Trung Quốc ồ ạt vào thị trường Việt Nam, tỷ lệ xe máy tăng hơn 4 lần, bình quân mỗi năm tăng hơn 2 triệu xe (20,3%). Từ năm 1990 đến năm 2018, xe máy ở Việt Nam tăng khoảng 48 lần, từ hơn 1.209.000 xe lên gần 58.170.000.
“Dự báo, giai đoạn 2018 - 2021, số xe máy theo đăng ký sẽ tăng hơn 1,12 triệu xe và số lượng xe máy trong lưu thông tăng khoảng 1,15 triệu xe. Đến năm 2030, số lượng xe máy theo đăng ký sẽ tăng gần 1,5 triệu xe, lượng xe máy trong lưu thông tăng hơn 1,62 triệu xe. Xe máy tăng đồng nghĩa TNGT liên quan đến xe máy, tỉ lệ thương tổn của người đi máy sẽ tiếp tục tăng”, TS. Đức thông tin.
Cũng theo TS. Đức, nghiên cứu trên hơn 61.000 vụ TNGT liên quan đến xe máy, các nguyên nhân đứng đầu gây tai nạn là: đi không đúng làn đường, phần đường quy định, chuyển hướng không đúng quy định, không chấp hành quy định về tốc độ,… Xét về mặt định lượng, TNGT liên quan đến xe máy tiếp tục tăng do nhu cầu đi lại tăng. Dự báo, đến năm 2021 tăng 19% và tới 2030 tăng tới 78%.
"Trước thực trạng đó, dự án đề xuất một số giải pháp liên quan đến cả thể chế và công tác tổ chức giao thông. Trong đó, về mặt thể chế, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008, đưa vào luật hoặc văn bản dưới luật về làn đường riêng cho xe máy", TS Đức nói.
TS. Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng, hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu về phương tiện ở Việt Nam đang có hiện tượng mỗi cơ quan một số liệu, khiến quá trình xây dựng giải pháp về ATGT đối với xe máy gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác kết nối, chia sẻ cần được nghiên cứu, điều chỉnh bằng văn bản pháp luật để hiệu quả hơn. Việc hình thành giải pháp giảm TNGT dựa trên cơ sở bằng chứng (dữ liệu) vừa có sự chính xác cao, vừa tránh được lãng phí khi áp dụng các giải pháp vào thực tiễn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận