Xã hội

Đề xuất tăng thuế VAT: Người nghèo thêm khó

21/08/2017, 06:45

Tăng thuế VAT nhưng Bộ Tài chính lại đề xuất giảm thuế thu nhập là một hình thức đứng về phía người giàu.

1

Nếu tăng thuế VAT từ 10 - 12%, hàng trăm nghìn mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng giá, gia tăng gánh nặng chi tiêu cho người thu nhập thấp - Ảnh: K.Linh

Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% của Bộ Tài chính đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối của dư luận bởi sẽ làm tăng giá hàng trăm nghìn mặt hàng, làm tăng gánh nặng chi phí cho người dân, nhất là những người nghèo.

2

 

Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh:

Thận trọng với quyết định tăng thuế VAT

Cần thận trọng với quyết định tăng thuế VAT vì ít nhất 3 lý do: Thứ nhất, thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn - do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.

Thứ hai, tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện chiếm 27,5%, cao hơn hẳn mức 21,4% của các nước EU - những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Thứ ba, và quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP. Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách "vung tay quá trán" hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả.

3

 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:

Sẽ hạn chế tiêu dùng và tác động tới sản xuất

Vì thuế là yếu tố cấu thành nên giá, đặc biệt VAT là thuế tiêu dùng nên khi tăng sẽ làm giá hàng hóa tăng theo. Do đó, khi tăng thuế sẽ hạn chế tiêu dùng và tác động tới sản xuất. Được biết, Bộ Tài chính vẫn chưa có đánh giá tác động của đề xuất tăng thuế VAT. Đây là dự thảo nên Bộ Tài chính cần lắng nghe ý kiến của dư luận để điều chỉnh cho phù hợp.

4

 

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh:

Đứng về phía người giàu

Tăng thuế VAT nhưng Bộ Tài chính lại đề xuất giảm thuế thu nhập là một hình thức đứng về phía người giàu. Mọi gánh nặng dồn lên vai toàn dân, người nghèo sẽ cùng kiệt”. Chênh lệch thu nhập bình quân đầu người/tháng của nhóm thu nhập cao so với nhóm thu nhập thấp năm 2010 là 9,2 lần; năm 2012 là 9,4 lần và 2014 là 9,7 lần. Việc tăng thuế VAT sẽ làm người nghèo càng nghèo hơn, khoảng cách giữa giàu và nghèo càng xa hơn. Chính sách như vậy đi ngược lại với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Vì GDP dựa trên tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản + thuế gián thu, nên tăng thuế VAT nhìn qua tưởng chừng cũng có thể làm tăng GDP trong tức thời nhưng lại làm suy giảm nguồn lực của nền kinh tế ở những chu kỳ sản xuất sau.

5

 

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vĩnh Phú:

Không đồng ý tăng thuế trong giai đoạn này

Tôi khá ngạc nhiên khi Bộ Tài chính lại đề xuất tăng thuế VAT trong giai đoạn Chính phủ đang muốn kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất. Tốc độ lưu chuyển hàng hóa 7 tháng qua chỉ ở mức 7-8% nên đáng ra phải làm gì đó để dấn thêm một bước kích cầu thì đề xuất của Bộ Tài chính lại dội thêm gáo nước lạnh.

Đề xuất này của Bộ Tài chính có vẻ đi ngược ý kiến của Thủ tướng Chính phủ mới đây, là phải giảm chi phí cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng nội địa. Riêng cá nhân tôi không đồng ý tăng thuế trong giai đoạn này. Tôi đã mấy lần kiến nghị là phải giảm xuống 3% (đối với những mặt hàng đang chịu mức 5%) và 7% (đối với những mặt hàng đang chịu mức 10%) chứ không phải tăng lên. Không nên để mặc người dân nghèo phải chịu trận.

6

 

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Phạm Đình Thi:

Mới chỉ là định hướng sửa đổi chính sách thuế

Dự thảo đề xuất đã được gửi đi các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến trong bối cảnh nợ công tăng cao và các quốc gia, kể cả các nước phát triển, đều có xu hướng tăng cường thuế gián thu như thuế VAT hay thuế tiêu thụ đặc biệt. Chắc chắn khi đưa ra nội dung này, phản ứng của dư luận xã hội sẽ nhiều chiều. Tuy nhiên, đây mới là định hướng sửa đổi chính sách, chứ đề xuất này chưa có trong chương trình làm luật của Quốc hội.


Chị Nguyễn Thúy Hòa, Thanh Trì, Hà Nội

Lo ngại hàng trăm ngàn mặt hàng tăng giá

Chiều 18/8, như thường lệ, tôi ra siêu thị gần nhà trên đường Cầu Lủ, Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội mua đồ dùng, thực phẩm cho cả nhà. Theo hóa đơn bán lẻ của siêu thị, tổng số tiền tôi phải thanh toán 1.700.000 đồng, trong đó, bao gồm 10% thuế VAT 170.000 đồng. Nếu thuế VAT nâng lên 12% như đề xuất của Bộ Tài chính, khoản thuế VAT tôi phải trả sẽ là 200.000 đồng, tăng khoảng 30.000 đồng so với hiện nay. Mặc dù số tiền cho mỗi hóa đơn không nhiều, nhưng với hàng trăm thứ bà rằn phải chi tiêu, mua sắm mỗi ngày, mỗi tháng, khoản chi tăng thêm do thuế không nhỏ. Vì nếu Chính phủ đồng ý và Quốc hội thông qua đề xuất của Bộ Tài chính thì người tiêu dùng sẽ phải trả thuế VAT nhiều hơn cho hầu hết các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, gas, điện và hàng ngàn mặt hàng khác... Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt áp dụng thuế suất 5% để chuyển sang áp dụng mức thuế suất 10%...

Thuế VAT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Hiện có ba nhóm thuế suất thuế VAT là nhóm 0% (hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan), nhóm 5% (14 loại gồm: Nước sạch, thức ăn gia súc, nông sản, thực phẩm chưa qua chế biến...); nhóm còn lại 10%. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, một số mặt hàng trong nhóm chịu thuế 5% sẽ tăng lên 6% và 10%, còn những mặt hàng đang chịu thuế 10% sẽ tăng lên 12%. Bộ Tài chính cũng đề xuất hai phương án: Tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 và tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Theo ông Phạm Đình Thi, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.