Thời sự

Đề xuất thành lập cảnh sát du lịch

09/11/2016, 08:02
image

Sáng 8/11, các ĐBQH thảo luật tại tổ về Luật Du lịch (sửa đổi) và dự án Luật Thủy lợi.

5

Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Không có chuyện “đúng quy trình” nhưng vẫn chết người

Cho ý kiến vào dự án Luật Thuỷ lợi, ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang), câu chuyện Thủy điện Hố Hô xả lũ vừa qua là bài học nhãn tiền: “Luật phải cụ thể, quy định khi xả lũ phải thông báo cho chính quyền địa phương nhưng quy định rõ cần thông báo trước bao lâu, chứ chuẩn bị xả lũ mới thông báo thì làm sao dân chuẩn bị kịp?”.

ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng, việc quản lý, vận hành các công trình thủy điện, thủy lợi ở các vùng giáp ranh giữa các tỉnh cần phải được chú ý hơn. Lấy dẫn chứng vụ việc Thủy điện Hố Hô, ông Gia cho hay, công trình này giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, trong quá trình vận hành việc phối hợp giữa đơn vị khai thác và chính quyền địa phương chưa được nhịp nhàng nên dẫn tới việc tranh luận trước khi xả lũ có thông báo hay không, thông báo kịp thời không, xả lũ có đúng quy trình hay không? Từ sự không thống nhất đã dẫn tới việc xả lũ gây hậu quả nặng nề khi dân “không kịp trở tay”.

Theo ĐB Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang), vấn đề lũ lụt ở miền Trung thời gian qua hậu quả do thiên tai một phần, nhưng một phần do công trình thủy điện xả lũ. Bộ Công thương sau khi thanh tra đã kết luận việc các công trình thủy điện xả lũ là không sai vì đó là trường hợp khẩn cấp. Vì thế, ĐB đề nghị Luật phải quy định thế nào là trường hợp khẩn cấp, trường hợp nào là tình thế cấp thiết?

ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) lại bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng các công trình thủy điện, hồ chứa xả lũ “đúng quy trình” nhưng lại gây chết người, làm thiệt hại nặng cho vùng hạ du. “Làm gì có cái quy trình nào đúng nhưng lại gây chết người? Do đó, cần phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, chứ không thể để như thế mãi được”, ông Sơn nói.

Thành lập cảnh sát du lịch để bảo vệ du khách

Dù không được đề cập đến trong dự thảo Luật, nhưng nhiều ý kiến của các ĐBQH đề xuất việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch nhằm mục đích bảo vệ an toàn cho du khách. Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, về việc thành lập lực lượng chuyên trách hỗ trợ, bảo vệ khách du lịch, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết, tính khả thi của việc thành lập lực lượng chuyên trách hỗ trợ, bảo vệ khách du lịch, tránh tình trạng tùy tiện, tăng biên chế, tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Thảo luận về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), ĐB Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội chia sẻ, Bộ Công an đã nhiều lần tổ chức hội thảo, nghiên cứu về vấn đề này. Theo đó, đối với Hà Nội, TP HCM và một số địa phương có du lịch phát triển đã dự định thành lập cảnh sát du lịch ở một số địa bàn trọng điểm. “Nếu thành lập cảnh sát du lịch như Thái Lan đang làm sẽ đảm bảo quyền lợi của du khách và các tổ chức hoạt động về du lịch, thúc đẩy ngành này phát triển”, ông Hải nói.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, nguyên Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng, trước thực trạng vừa qua, tình hình hoạt động của ngành du lịch trở nên phức tạp khi nhiều tổ chức, cá nhân làm du lịch nhưng không được cấp phép, hướng dẫn viên du lịch còn nhiều vấn đề, chất lượng các cơ sở lưu trú không đảm bảo…, nên việc có lực lượng cảnh sát du lịch là cần thiết và đây phải là lực lượng chuyên ngành. “Hiện nay, thanh tra văn hóa không đảm đương được công việc chuyên ngành nên để đảm bảo chất lượng, an toàn cho du khách, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch thì cần có cảnh sát du lịch”, bà Tuyết kiến nghị.

Đồng tình, ĐB Dương Ngọc Hải (TP.HCM) cũng đề nghị xem xét cơ chế bảo vệ du khách, vì hiện trạng khách nước ngoài bị gây rối, chèo kéo rất phổ biến, và đây lại là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch tới Việt Nam và không quay trở lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.