Giám đốc VEC E kiến nghị, Tổng công ty VEC sớm áp dụng việc thay đổi cước phí theo khung giờ cao điểm, thấp điểm để giảm ùn tắc tại các trạm thu phí trên cao tốc |
Tính cước phí theo khung giờ để giảm ùn tắc
Tại hội nghị Tổng kết năm 2016 của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) tổ chức sáng nay (12/1), ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết, qua thực tế triển khai, đơn vị này ghi nhận một số tồn tại liên quan đến chất lượng phục vụ và an toàn trên các tuyến cao tốc như: Tốc độ của hệ thống thiết bị phục vụ công tác thu phí chưa đáp ứng tốt vào thời điểm cao điểm, thái độ và tác phong của nhân viên chưa đồng bộ và thật sự chuyên nghiệp; tình trạng phương tiện dừng đỗ, đón trả khách trái phép, đi ngược chiều trên đường cao tốc; người đi bộ cố tình đi vào đường cao tốc,...
Nhằm xử lý triệt để tồn tại, đồng thời nâng cao chất lượng phụ vụ, đảm bảo an toàn trong công tác vận hành khai thác trên các tuyến cao tốc, ông Tân đề xuất thực hiện một số giải pháp: Tăng cường công tác đào tạo về các chuyên đề về nghiệp vụ thu phí, vận hành bảo trì, văn hóa giao tiếp ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả các giải pháp, Giám đốc VEC E kiến nghị VEC sớm áp dụng việc thay đổi cước phí theo khung giờ cao điểm, thấp điểm để giảm ùn tắc tại các trạm thu phí trên cao tốc. “Bên cạnh đó, VEC cần tạo cơ chế về tài chính đặc biệt phù hợp tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện công tác khai thác mạnh dạn đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại, tự động, đặc thù dùng riêng cho đường cao tốc để tối ưu hóa công tác khai thác trong điều kiện vận tốc lưu thông cao của phương tiện”, ông Tân kiến nghị.
Trước đó, báo cáo về kết quả hoạt động của tổng công ty trong năm 2016, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc VEC cho biết, năm 2016, doanh thu của toàn tổng công ty đạt 2.578,5 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ đạt 2.259 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của toàn tổng công ty dự kiến đạt 18 tỷ đồng.
Năm 2016, VEC đã xây dựng và trình Bộ GTVT phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của đơn vị; chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2016 – 2020; phương án tài chính 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, VEC đã xây dựng và trình Bộ GTVT cơ chế đầu tư các dự án mới theo hình thức PPP; quy chế quản lý tài chính của VEC,…
Về các nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2017, ông Nhi cho biết, VEC phấn đấu thông xe đoạn tuyến phần vốn JICA tài trợ (65km) dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; hoàn thành thi công các hạng mục bổ sung thuộc dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai (giai đoạn 1); khởi công 3 gói thầu: A5, A6 và A7 đoạn ADB tài trợ (tuyến phía Đông) của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành; khởi công dự án đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng,… “Năm 2017, VEC phấn đấu đạt doanh thu toàn tổng công ty khoảng 2.868,8 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 2,585,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của toàn cổng công ty dự kiến đạt 13,1 tỷ đồng”, ông Nhi cho hay.
Sớm chuyển nhượng các dự án hoàn thành
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường ghi nhận những kết quả đạt được trên các lĩnh vực của VEC trong năm 2016. “Đến nay, cả nước đã có hơn 700km đường cao tốc. Đạt được kết quả này có sự đóng góp rất lớn của VEC. Qua đó, có thể khẳng định chủ trương thành lập VEC của Chính phủ và Bộ GTVT là rất đúng đắn”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, mục tiêu của Bộ GTVT đến năm 2020, cả nước sẽ có trên 2.000 km đường cao tốc, để hiện thực hóa mục tiêu này, trước hết VEC sẽ phải là một trong những đơn vị nòng cốt đi đầu. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu trong năm 2017, lãnh đạo tổng công ty phải nhanh chóng tổ chức VEC theo đúng mô hình đã được Bộ GTVT phê duyệt. Đầu tiên, VEC phải xác định xong vốn điều lệ ở mức độ cho phép, sau đó, tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên và tổng công ty mẹ theo hướng nhà nước chi phối cổ phần từ 65 – 70%.
Đồng thời, VEC cần xây dựng chiến lược phát triển đường cao tốc theo các giai đoạn 5 năm, 10 năm. “Trong giai đoạn trước mắt, VEC cần khẳng định sẽ hoàn thành được bao nhiêu km đường cao tốc vào năm 2020 để góp phần vào mục tiêu xây dựng trên 1.700km của ngành GTVT từ nay đến 2020. Tôi cho rằng, ít nhất VEC phải đạt được hơn nửa trong số đó mới xứng đáng là tổng tổng ty lớn trong lĩnh vực đầu tư đường cao tốc”, Thứ trưởng Trường nói.
Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu VEC phải đưa ra các giải pháp tài chính rõ ràng cho từng dự án và trong quán trình chỉ đạo, điều hành phải xác định các mốc thời gian cụ thể của từng dự án. “VEC cần tiếp tục nghiên cứu mô hình chuyển nhượng dự án để có thêm nguồn lực tái đầu tư vào các dự án mới”..
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận