Bộ Tài chính cho biết ở nước ta cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế, đe dọa tới môi trường.
Hiện ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Có thời điểm chất lượng ô nhiễm môi trường không khí ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động xả khí thải của các cơ sở xả thải và phương tiện giao thông vận tải.
Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau: F = f + C.
Trong đó:
a) F là tổng số phí phải nộp trong kỳ nộp phí (quý hoặc năm).
b) f là phí cố định
c) C là phí biến đổi (quý). Phí biến đổi của cơ sở xả khí thải là tổng số phí biến đổi được xác định tại mỗi điểm xả khí thải.
Hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và hàng chục triệu xe máy đang lưu hành, chưa kể hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực, hàng ngày xả thải khối lượng lớn khí thải công nghiệp; có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, chưa hoàn thành xử lý triệt để; khoảng 110.000 doanh nghiệp xây dựng, hoạt động xây dựng nhà ở, khu chung cư, khu đô thị mới, cầu đường, khai thác và vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải diễn ra khắp nơi trong cả nước. Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường.
Trong khi đó, phần lớn tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường (BVMT) không khí. Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng nghị định phí BVMT đối với khí thải là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ, kiện toàn hệ thống pháp luật phí, phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn và nhằm từng bước nâng cao ý thức BVMT của tổ chức, cá nhân xả thải và toàn xã hội.
Theo dự thảo của Bộ Tài chính, đối tượng chịu phí và người nộp phí là bụi, khí thải xả ra môi trường của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh... Người nộp phí BVMT đối với khí thải theo quy định tại nghị định này là các cơ sở xả khí thải nêu trên. Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của các cơ sở xả khí thải trên địa bàn quản lý.
Căn cứ tình hình thực tế quản lý, sở tài nguyên và môi trường báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân công địa bàn, đối tượng thu phí cho sở tài nguyên và môi trường, phòng tài nguyên và môi trường tổ chức thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của các cơ sở xả khí thải trên địa bàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận