Hiện, Công ty được giao thu phí trên 20 tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố, thông qua phần mềm Myparking.
Trong thời gian triển khai, phần mềm hay bị lỗi định vị không tìm thấy bãi đỗ, đăng ký tài khoản mới không nhận được mã OTP. Việc cài đặt qua app đã xảy ra nhiều lỗi, thao tác mất nhiều thời gian; thanh toán phí có khi mất 20 phút đến 30 phút vẫn chưa được…
Từ đó, Công ty kiến nghị thành phố cho phép thay đổi hệ thống thu phí Myparking sang hình thức thu phí bằng tài khoản ETC kể từ ngày 1/12.
Quy trình thu phí bằng hình thức ETC, nhân viên sử dụng thiết bị cầm tay để quét thẻ RFID các xe đã đậu vào ô thu phí, hệ thống sẽ khấu trừ tiền trong tài khoản chủ xe.
Đề xuất thu phí đỗ ô tô bằng tài khoản ETC.
Về tỉ lệ phân chia doanh thu thu phí, đề xuất Công ty thu 53% để thực hiện trả lương và các chi phí hoạt động thu phí, 17% cho Công ty TNHH thu phí tự động VETC, 30% còn lại nộp về ngân sách thành phố. Dự kiến thu phí bằng ETC sẽ tăng từ 30-50% so với trước.
Trước đó, tháng 8/2018, TP.HCM tổ chức thu phí đỗ ô tô trên các tuyến đường ở các quận 1, 5, 10. Cuối năm 2020, UBND TP.HCM giao Công ty TNHH MTV Công ích Thanh niên xung phong quản lý đỗ xe và thu phí. Mức thu từ 20.000 - 25.000 đồng/xe cho giờ đầu tiên.
Với những xe đậu tới 5 giờ, mức phí có thể lên tới 170.000 đồng/xe. Các phương tiện được phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí là ô tô đến 16 chỗ ngồi hoặc xe tải có tải trọng từ 1,5 tấn đến không quá 2,5 tấn. Để đỗ xe ở các tuyến đường trên, người sử dụng phải cài đặt và sử dụng ứng dụng My Parking.
Qua gần 2 năm triển khai, công ty báo thu không đủ chi, thậm chí lỗ 8 tỷ đồng trong năm 2021.
Hiện tỉ lệ giao dịch ETC bình quân trên cả nước chiếm khoảng 80%, riêng tại TP.HCM trên 90%. Điều này cho thấy tính ưu việt cũng như nhu cầu cần thiết của thu phí ETC là tất yếu.
Hiện nay, VETC đã triển khai dịch vụ cho 79 trạm với 619 làn, tương đương 70% số lượng trạm sử dụng ETC trên cả nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận