Giao thông

Đề xuất thuê tư vấn thẩm định giá tối đa qua hầm đường bộ

09/04/2018, 10:05

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2016 về mức trần thu giá sử dụng dịch vụ...

17

Điểm đáng chú ý trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2016 là việc đề xuất bổ sung về mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng hầm đường bộ theo lượt (Trong ảnh: Xe qua hầm đường bộ Đèo Cả)

Nhà đầu tư kêu mất cân đối tài chính vì mức giá thấp

Vụ Tài chính (Bộ GTVT) đang chủ trì xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý và quy định các trường hợp được miễn giảm giá (nếu có) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ để kinh doanh (Dự thảo sửa đổi Thông tư 35/2016 - PV). Điểm đáng chú ý trong dự thảo này là việc đề xuất bổ sung về mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng hầm đường bộ theo lượt.

Theo đó, mức giá tối đa khi qua hầm đường bộ đối với phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) là 60.000 đồng/lượt; phương tiện loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn): 72.000 đồng/lượt; phương tiện loại 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn): 120.000 đồng/lượt; phương tiện loại 4 (xe tải có tải trọng từ 110 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet): 144.000 đồng/lượt; phương tiện loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet): 288.000 đồng/lượt.

Theo đề xuất của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, mức giá tối đa dịch vụ sử dụng hầm đường bộ Đèo Cả đến năm 2021 với thời gian hoàn vốn lần lượt 28 năm, 25 năm và 20 năm như sau: Xe nhóm 1: 166.000 đồng/lượt, 173.000 đồng/lượt, 195.000 đồng/lượt; xe nhóm 2: 250.000 đồng/lượt, 260.000 đồng/lượt, 293.000 đồng/lượt; xe nhóm 3: 333.000 đồng/lượt, 346.000 đồng/lượt, 390.000 đồng/lượt; xe nhóm 4: 416.000 đồng/lượt, 433.000 đồng/lượt, 488.000 đồng/lượt; xe nhóm 5: 749.000 đồng/lượt, 779.000 đồng/lượt, 878.000 đồng/lượt.

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho rằng, các công trình hầm đường bộ là loại hình công trình có suất vốn đầu tư cao hơn rất nhiều so với các loại hình công trình giao thông khác. Hơn nữa, các trạm thu giá đặt tại các cửa hầm đường bộ luôn đảm bảo người dân có quyền lựa chọn đi qua hầm thì trả phí, đi đường đèo sẽ không mất phí.

“Nếu biểu mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo đề xuất tại dự thảo của Bộ GTVT được thông qua và áp dụng đối với các dự án hầm đường bộ, trong đó có dự án hầm Đèo Cả sẽ dẫn đến việc không đảm bảo phương án tài chính, gây mất cân đối thanh toán nợ với các hợp đồng tín dụng đã ký kết”, ông Thủy nói.

Ông Trần Văn Thế, Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC - nhà đầu tư dự án hầm Đèo Cả) cho biết thêm, việc thu giá hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả tại các trạm thu giá An Dân và Đèo Cả không được thực hiện theo mức giá đã quy định trong hợp đồng BOT mà phải áp dụng theo biểu giá tại Thông tư 35/2016. Có nghĩa là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đánh đồng các công trình hầm đường bộ giống như đường, khiến nhà đầu tư đang thiệt hại khoảng 85 tỷ đồng/năm.

Cũng theo ông Thế, khi so sánh tổng vốn đầu tư của dự án hầm đường bộ Đèo Cả (khoảng 12.000 tỷ đồng) gấp 10 lần tổng vốn đầu tư của hầm Phú Gia - Phước Tượng (khoảng 1.200 tỷ đồng), nhưng doanh thu hiện nay tương đương nhau (khoảng 700 triệu đồng/ngày). Khi so sánh với tổng vốn đầu tư của đường và cầu còn bất cập hơn nữa.

Đề xuất thuê tư vấn thẩm định giá

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, Bộ GTVT cần xem xét lại mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng hầm đường bộ theo lượt. Trước khi ban hành, nên tham khảo ý kiến của các đơn vị tư vấn và có sự thẩm định của Tổng cục Đường bộ VN trong việc đề xuất mức giá thu để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và phương án tài chính cho nhà đầu tư.

“Tổng mức đầu tư của hầm đường bộ rất lớn, gấp nhiều lần so với các công trình giao thông khác và hiệu quả mang lại cho vận tải đường bộ cao vì rút ngắn quãng đường, thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải, đảm bảo ATGT, đồng thời phải tạo sức hấp dẫn để các nhà đầu tư tiếp tục tham gia đầu tư các dự án hầm đường bộ theo hình thức BOT”, ông Thanh lý giải.

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, hiện có một số khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến phương án tài chính tổng thể của dự án hầm đường bộ Đèo Cả như: Nguồn vốn TPCP hỗ trợ cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả chỉ còn 3.868 tỷ đồng (giảm 1.180 tỷ đồng), điều chỉnh tiến độ thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan do tiến độ hoàn thành dự án phải kéo dài, điều chỉnh không thành lập trạm thu phí Nam Hải Vân.

Trên cơ sở đó, Vụ PPP đưa ra kết quả sơ bộ về phương án tài chính của dự án hầm đường bộ Đèo Cả như sau: Thời điểm năm 2018, mức giá qua trạm Đèo Cả lần lượt là: 75.000 đồng/lượt/xe loại 1, 115.000 đồng/lượt/xe loại 2, 150.000 đồng/lượt/xe loại 3, 190.000 đồng/lượt/xe loại 4 và 300.000 đồng/lượt/xe loại 5; thời điểm năm 2021: 100.000 đồng/lượt/xe loại 1, 145.000 đồng/lượt/xe loại 2, 195.000 đồng/lượt/xe loại 3, 245.000 đồng/lượt/xe loại 4 và 390.000 đồng/lượt/xe loại 5.

Trong văn bản góp ý về dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016, Tổng cục Đường bộ VN cũng đã rà soát và đề xuất mức giá tối đa xem xét đối với dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Cụ thể, mức giá tại thời điểm năm 2021 đối với thời gian thu giá hoàn vốn 28 năm như sau: Xe loại 1: 143.000 đồng/lượt, xe loại 2: 214.500 đồng/lượt, xe loại 3: 286.000 đồng/lượt, xe loại 4: 357.000 đồng/lượt và xe loại 5: 643.000 đồng/lượt; Đối với thời gian hoàn vốn 25 năm: Xe loại 1: 152.000 đồng/lượt, xe loại 2: 228.800 đồng/lượt, xe loại 3: 304.000 đồng/lượt, xe loại 4: 380.900 đồng/lượt và xe loại 5: 685.100 đồng/lượt; Đối với thời gian hoàn vốn 20 năm: Xe loại 1: 171.600 đồng/lượt, xe loại 2: 257.000 đồng/lượt, xe loại 3: 343.200 đồng/lượt, xe loại 4: 429.000 đồng/lượt và xe loại 5: 772.000 đồng/lượt.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, biểu giá tối đa sử dụng dịch vụ đường bộ cần phải được thẩm định bởi đơn vị chuyên ngành về thẩm định giá. “Tổng cục đề nghị Bộ GTVT thành lập hội đồng thẩm định giá hoặc thuê tư vấn thẩm định giá để xem xét, thẩm định phương án giá trước khi ban hành Thông tư”, ông Cường cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.