Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN |
Tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN diễn ra sáng nay dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, một số ý kiến đề xuất xem xét cơ chế trả lương cho lãnh đạo Tập đoàn, DNNN theo cơ chế thị trường.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, DNNN vẫn là lực lượng chưa thể thay thế, nhưng việc quản lý các doanh nghiệp này lại không theo cơ chế thị trường.
Vì thế, ông Cung kiến nghị nên cho phép các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước được trả lương lãnh đạo theo giá thị trường, bởi hiện nay, các DNNN không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh, chịu gò bò, ràng buộc, không được tuyển dụng và trả lương theo nguyên tắc thị trường.
Bên cạnh đó, Viện trưởng CIEM cũng kiến nghị không nên giao nhiệm vụ để “ai cũng có thể hoàn thành”, mà nên giao chỉ tiêu kinh doanh “đủ cao” để chỉ những lãnh đạo doanh nghiệp nỗ lực tối đa mới có thể hoàn thành. Có như vậy chúng ta mới kỳ vọng có được những tập đoàn kinh tế lớn. “Hiện nay doanh nghiệp đứng cuối cùng trong danh mục 500 tập đoàn lớn nhất thế giới thì có doanh thu 24 tỷ USD. Trong khi đó, 3 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất gồm Viettel, PVN, EVN thì mới đạt 11 tỷ USD", ông Cung dẫn chứng.
Ở góc độ quản trị công ty, Viện trưởng CIEM cho rằng phải tập trung tháo bỏ những ràng buộc với doanh nghiệp nhà nước để họ được tự chủ kinh doanh, là tự xác định ngành nghề kinh doanh còn làm như thế nào thì HĐQT và giám đốc tự quyết định. "Thời gian qua, việc quản lý hành chính hoá nhiều trong việc ra quyết định đầu tư kinh doanh, nên thay đổi cách quản trị đó", ông nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng Chính phủ nên xem xét cơ chế tuyển chọn và trả lương lãnh đạo các DNNN theo thị trường và theo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dũng cho rằng ta cần từng bước hình thành thị trường lao động chuyên nghiệp trong khu vực kinh tế nhà nước, xứng tầm khu vực, quốc tế, để đảm bảo DNNN được vận hành theo mô hình quản trị hiện đại nhất, công khai, minh bạch.
Đồng tình, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, nâng cao năng lực quản trị là "hết sức cấp bách, không chỉ trong nội tại doanh nghiệp mà các cơ quan đại diện chủ sở hữu, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nâng cao năng lực quản trị”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, hiện tại, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tiếp nhận đủ 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, là bước đi dài tới mục tiêu tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, từ đó cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp nhà nước.
“Ủy ban đã nắm được tình hình của các doanh nghiệp và thấy khả năng hoàn thành kế hoạch 2018 là khả thi. Một số doanh nghiệp vượt kế hoạch như SCIC doanh thu dự kiến vượt mức 25%, Lương thực miền Bắc, Vietnam Airlines dự kiến vượt lợi nhuận 37%....”, ông thông tin.
Để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả, ông Hoàng Anh đề xuất cần tiếp cận vấn đề hoạt động của doanh nghiệp và quản lý của nhà nước theo mục tiêu cuối cùng là hiệu quả chung sau một thời gian/kỳ tài chính nhất định, thông lệ là 1 năm.
Ông lưu ý, các doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường, chấp nhận sự biến động thị trường. Doanh nghiệp không thích ứng được với thị trường thì thay lãnh đạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận