Giao thông

Đề xuất ý tưởng “hồi sinh” sông Kim Ngưu

15/08/2018, 13:55

Công tác cải tạo sông Kim Ngưu được đề xuất khôi phục cả môi trường nước và bộ mặt đô thị dọc bờ sông.

DSCF6909

Toàn cảnh buổi tọa đàm 

Sáng nay (15/8), Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN tổ chức tọa đàm đề xuất ý tưởng chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu đoạn từ đường Trần Khát Chân tới cầu Mai Động.

Ông Trần Tuấn Anh, đại diện Công ty CP R&D Quy hoạch (R&D Planners) - đơn vị tư vấn đề xuất ý tưởng cho biết, hiện tại, sông Kim Ngưu đang phải hứng chịu một lượng nước thải lớn từ các hộ dân sống xung quanh. Theo nghiên cứu, cứ 1km sông Kim Ngưu lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp ra lòng sông.

“Sông Kim Ngưu cũng đang gánh đồng thời lượng nước thải lớn xả thẳng, không qua xử lý từ các tuyến đường: Lò Đúc, Trần Khát Chân. Các cửa thoát nước thải hai bên bờ đổ xuống lòng sông ở độ cao 2-3m so với đáy sông gây ô nhiễm không khí nặng”, ông Tuấn Anh nói và cho biết trước tình trạng này, R&D Planners đã xây dựng phương án cải tạo lại môi trường sông Kim Ngưu trên diện tích 42.000 m2, chiều dài hơn 1,2km.

Theo phương án, việc cải tạo môi trường sông Kim Ngưu sẽ được thực hiện theo hướng tách toàn bộ hệ thống thu nước thải sinh hoạt từ các hộ dân vào đường ống thoát nước thải riêng biệt. Mặt nước chính của dòng sông phục vụ thoát nước mưa, tạo cảnh quan môi trường đô thị kết hợp chức năng thương mại dịch vụ (TMDV) phát huy yếu tố công cộng. “Khi hoàn thành, dự án không chỉ đảm bảo mục tiêu thoát nước, làm sạch môi trường mà còn cung cấp lượng cây xanh nhằm giảm nhiệt đô thị, cung cấp môi trường sinh thái trong lành và là điểm giải trí mới của Hà Nội”, ông Tuấn Anh thông tin.

Tuy vậy, theo PGS.TS Phạm Đức Nguyên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi trường xây dựng VN, dự án cần được nghiên cứu triển khai trên toàn bộ chiều dài 3km của sông Kim Ngưu.

“Nếu chỉ thực hiện cải tạo trên 1,2km, nước thải đổ ra sông sau 1,2km sẽ hòa vào nước của dòng sông đoạn sau gây ô nhiễm nặng nề hơn cho dân cư đoạn sông 2km còn lại. Có thể nghiên cứu dự án theo 3 giai đoạn: Thoát nước thải sinh hoạt cho các công trình dân sinh hai bên sông suốt chiều dài 3km; Xử lý dòng chảy (nước mưa hoặc nước cấp) của sông và cuối cùng là đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, dịch vụ kinh doanh ven sông”, ông Nguyên nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.