Xã hội

Đêm mất ngủ ở “làng Chan Chu”, ám ảnh trước tin bão dữ

27/09/2022, 06:16

Đêm trước bão Noru cận kề, dân “làng Chanchu” (xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi) từng khóc cạn nước mắt vì bão nay thêm ám ảnh nỗi lo thiên tai.

Tối 26/9, trên con đường dài hun hút, lấp lóe ánh đèn đường dưới làn sương giăng phủ, PV tìm về xã ốc đảo Nghĩa An. Vừa tới đầu làng, tiếng loa truyền thanh của xã liên tục phát bản tin cảnh báo về cơn bão Noru. Chừng 30 tiếng đồng hồ, siêu bão được dự báo đổ vào đất liền các tỉnh miền Trung, trong đó có "tâm bão" Quảng Ngãi, Quảng Nam... nhưng nỗi lo như nhân lên theo từng phút.

Ảm ảnh về tai ương hiển hiện trên từng khuôn mặt, ký ức của xã đảo mệnh danh "làng Chan Chu".

img

Đêm trước bão Noru đổ bộ, ông Ốc bà Nhanh thu vén đồ đạt chuẩn bị chạy bão. Trong sâu thẳm tâm trí ông bà, cơn bão Chanchu năm nào lại ùa về, ngày buồn ông bà mất đi 3 người con và nỗi lo đêm trước bão Noru đỗ bộ càng lo sợ hơn.

16 năm trước, ngày 19/5/2006, cơn bão Chanchu bất ngờ đổi hướng, gây cảnh tang thương cho hàng trăm gia đình ngư dân miền Trung khi đang đánh bắt trên biển. Trong đó, làng biển xã Nghĩa An có 22 ngư phủ gặp nạn. Gần 2 thập kỷ trôi qua, nước mắt đã khô trên đôi mắt những người mẹ mất con, người vợ mất chồng.

Nỗi đau Chanchu đã lùi xa, song với những người dân nơi đây, đêm trước bão Noru lại khiến nỗi ám ảnh ùa về, như hiển hiện.

Đêm chạy bão lòng quặn nỗi nhớ con

Đôi mắt như đỏ quạch, bà Đinh Thị Nhanh (63 tuổi, thôn Tân An, Nghĩa An) quệt tay nên khuôn mặt nhăn nheo, thổn thức nhớ về giây phút nhận tin dữ 3 người con trai bị mất nơi tâm bão ChanChu. Những ngày tháng 5 đó, lòng bà Nhanh như quặn lại, mất ăn, ngủ đến hao người. Mỗi lần có tín hiệu từ đài Icom, bà lại chạy vội đến, ngồi thật gần, ngóng từng dòng tin ít ỏi, đứt quãng.

“Tàu bị chìm rồi, chúng tôi đang cố gắng vượt bão tìm các anh ấy. Thôi tắt máy để anh em tìm, gió ngoài này to lắm không nghe được gì”, bà Nhanh vẫn nhớ từng câu nói của một chủ tàu may mắn thoát nạn đang quần đảo giữa biển khơi mênh mông để tìm 3 người con bà và những ngư dân khác trên tàu QNg-7053TS.

"Còn nước còn tát chú ạ, chúng tôi cứ chờ từng phút, từng giây. Chúng là con của biển cả, cuộc đời gắn liền với đời ngư phủ, lênh đênh đánh bắt xa bờ, không thể dễ chết vậy được. Nhưng ai ngờ!", giọng bà Nhanh nghẹn lại. Theo bà Nhanh, ngày ba con gặp nạn cũng là lúc đang trên đường vào bờ trú tránh, cả ba vừa điện về thông báo sắp vào bờ an toàn, ai ngờ vài tiếng sau thì mất liên lạc, rồi tin dữ ập về.

img

Nỗi buồn của lão ngư phủ già một đời "ăn sóng nói gió" đã mất đi ba người con trai sau cơn bão Chanchu.

Thắp lên bàn thờ 3 người con trai nén hương trước khi thu dọn lại đồ đạc để sang nhà hàng xóm trú ngụ tránh bão Noru, lão ngư Võ Ốc (64 tuổi) cố gặng ghìm đôi mắt để không chực trào ra. Bởi, thời khắc 3 người con của ông ôm chài, vác lưới lên tàu ra khơi năm nào vẫn còn hiện rõ mồn một.

Người ngư phủ già một đời bám biển “gác kiếm” để nhường biển lớn Hoàng Sa và chiếc tàu cá QNg-7053TS cả đời tích góp sắm được cho ba người con trai vươn khơi. Thế nhưng, ai ngờ hành trình trước bão Chan Chu mãi là định mệnh.

img

Niềm an ủi tuổi xế chiều của bà Nhanh là những đứa cháu ngoại luôn bên bà.

Con tàu QNg-7053TS dọc ngang các vùng biển, nhưng rồi nó không thể trụ vững trước sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão Chanchu. Bánh lái tàu bị dây thừng trôi dạt quấn vào, sức gió quá lớn trong khi con tàu không thể di chuyển được. Thế là, bão đến nhấn chìm mọi thứ.

Ông Ốc nói rằng, biết thế ông không cho con cùng lúc 3 đứa lên một tàu để đi. Trời không thương vợ chồng ông, không để lại cho ông đứa con làm chỗ dựa tuổi xế chiều.

Mất con, vợ chồng ông Ốc bà Nhanh nương tựa nhau sống qua ngày từng đó năm. Thời gian trôi qua, những đứa cháu ngoại ra đời, lớn lên bên trong ngôi nhà cấp 4, nơi đặt gian thờ 3 người con như thể an ủi phần nào cuộc đời bất công mà ông bà nhận lấy.

“Tôi mong bão lần này tan ngoài biển, đừng ập vào đất liền nữa. Cũng mong những ngư dân ngoài biển né được bão và trở về đoàn tụ với gia đình, vợ con. Đừng có thêm “bi kịch” nào nữa như các con tôi”, bà Nhanh nói vọng khi chúng tôi chào tạm biệt ra về giữa mảng sáng nhợt nhạt hắt qua từ ánh đèn đường.

“Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm”

Tất tả chuẩn bị đồ đạc để cùng dân làng đến nơi trú tránh, phòng chống bão Noru, bà Cao Thị Lâu (62 tuổi, thôn Tân An) thắp nén nhang lên trước di ảnh chồng, một trong những nạn nhân gặp nạn ngay giữa bão Chanchu 16 năm trước.

img

Những xóm nhà nơi ốc đảo Nghĩa An buồn vời vợi khi hay tin bão sắp đổ bộ vào đất liền.

Ngày ấy, ông Nguyễn Tấn Lách (chồng bà Lâu) cùng các bạn tàu lên thuyền rời cảng cá Nghĩa Phú đánh bắt. Bà Lâu kể: "Trước đó, chồng tôi phải nghỉ biển thời gian dài vì sức khỏe yếu. Nhưng rồi gánh nặng đông con, kinh tế khó khăn, khi thấy chủ tàu gọi, ông lại cố gắng vươn khơi. Nghĩ bụng kiếm vài chuyến biển lo cho con học hành, rồi "nghỉ hưu sớm.

Ai ngờ chuyến biến trước bão Chanchu lại là chuyến biển cuối cùng. Trên đường tránh bão, tàu bị đánh chìm, ổng đi luôn rồi không về nữa".

Góa phụ từ tuổi 40, một mình bà Lâu cáng đáng nuôi 6 đứa con nheo nhóc.

Chăm chú nghe thông báo trên loa phát thanh, bà Lâu bảo: cũng may giờ ngành dự báo tốt rồi, tàu thuyền cũng đã về đến nơi trú tránh an toàn. Nhưng với cấp gió lớn như bão Noru nếu vào bờ, mọi người không phòng chống tốt thì hậu quả khôn lường.

"Mấy cái làng mệnh danh Chanchu này, mất mát trước thiên tai quá nhiều, chẳng ai dám chủ quan. Mọi người thu dọn đồ đạc rồi lên nơi cao ráo, có địa phương hướng dẫn, hỗ trợ. Chứ cứ ở nhà thì nguy lắm. Gia đình nào hầu như cũng có người gặp nạn, nên giờ người sống phải cố giữ an toàn trước bão để còn lo lắng, chăm sóc con cháu", bà Lâu nói.

img

Đôi mắt đượm buồn của bà Cao Thị Lâu đêm trước bão Noru ập đến, bởi với bà những gì bão tố gây ra là nỗi đau không thể nào phai nhòa.

img

Những con tàu neo trú trên sông Phú Thọ bên bờ ốc đảo Nghĩa An, nơi mà 22 ngư dân xấu số đã ra đi và không bao giờ trở về.

Nói vậy nhưng thăm sâu trong bà Lâu cũng như nhiều phụ nữ nơi miền biển khác, mỗi mùa bão gió, thiên tai, lòng người thêm trăn trở bởi những chuyến biển sẽ khó khăn và nguy hiểm hơn.

Theo bà Lâu, tôi luôn dặn lòng cố quên, sống vui cùng con cháu, nhưng mỗi khi biển nổi sóng to, đài truyền thanh báo bão từ khơi xa thì đầu tôi không thể nào quên được chồng, cứ nhắm mắt lại hình bóng ổng lại ùa về. Chừng ấy thời gian rồi nhưng lòng cứ như hôm qua, cứ xống sang, mong đợi. Mong bão tan sớm, không làm một ai ở đất này thêm đau nữa.

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND xã Nghĩa An cho biết, đặc thù xã có nhiều hộ kinh doanh thủy sản, ngư dân nên mỗi mùa mưa bão, công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân phòng chống bão được đặt lên hàng đầu. Những năm gần đây, thiệt hại địa phương trong các trận mưa bão giảm, nhưng còn rất nhiều trường hợp mất mát người thân, tài sản từ các trận bão trước, như Chanchu... vẫn rất khó để có thể ổn định cuộc sống.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, tỉnh đã lên kế hoạch sẵn sàng di dời hơn 53.000 người dân vùng trũng, thấp, ven sông, ven biển và vùng nguy cơ sạt lở núi đến các nơi lưu trú tập trung trong các ngày bão đổ bộ như trường học, các trụ sở cơ quan và khoảng hơn 8.000 người di dời xen ghép từ các nhà yếu, nhà không đảm bảo đến các nhà kiên cố để tránh bão số 4.

Trong đó, tập trung di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn trước 10h ngày 27/9. Địa điểm sơ tán dân phải đảm bảo lương thực, thực phẩm vệ sinh môi trường cũng như các vấn đề liên quan khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.