Sáng 8/9, UBND TP Hoà Bình thông tin, tuyến phố đi bộ đê Đà Giang sẽ đưa vào hoạt động thử nghiệm từ đêm nay, áp dụng từ 18h đến 24h vào hai ngày (thứ sáu, thứ bảy). Thời gian thực hiện thí điểm diễn ra một tháng trước khi đưa vào hoạt động chính thức.
Theo ghi nhận của PV, các hạng mục thi công cổng chào, khung vòm điện trang trí, hệ thống đèn chiếu sáng, sân khấu tổ chức sự kiện... cơ bản đã hoàn thành. Công trình có mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng, do Phòng quản lý đô thị TP Hoà Bình làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài 2km trên đê Đà Giang, kết hợp giao thông tại phường Phương Lâm và phường Đồng Tiến, TP Hoà Bình.
Trước đó, ngày 9/9/2022, UBND tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm thành phố Hòa Bình. Theo đó, phạm vi thực hiện đề án bắt đầu từ đầu đường Hòa Bình (Chi cục Thủy lợi Hòa Bình) đi dọc đường đê Đà Giang, điểm cuối cầu Hòa Bình II, thuộc địa bàn phường Phương Lâm, phường Đồng Tiến.
Việc thực hiện xây dựng mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn phường Phương Lâm và phường Đồng Tiến thí điểm từ năm 2022 - 2023, năm 2024 tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm làm căn cứ để phát triển mở rộng mô hình kinh tế ban đêm trên toàn thành phố giai đoạn tiếp theo.
Đề án đặt mục tiêu, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ngành thương mại - dịch vụ, du lịch trong khu kinh tế ban đêm dự kiến tăng 20%/năm. Thu ngân sách địa phương dự kiến tăng 12%/năm.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/năm. Đến năm 2023, doanh thu dịch vụ - thương mại tại khu kinh tế ban đêm đêm đạt 500 tỷ đồng/năm (chiếm 20 - 25% doanh thu dịch vụ - thương mại tổng hợp trên địa bàn 2 phường Phương Lâm và Đồng Tiến).
Mục tiêu của đề án nhằm đáp ứng nhu cầu tham gia kinh tế ban đêm cho 500.000 khách du lịch/năm. Thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch tăng lên, đối với khách nội địa là 1,5 ngày/khách, đối với khách quốc tế là 2 ngày/khách.
Đề án cũng xác định phát triển kinh tế đêm nói riêng và phát triển du lịch nói chung tại thành phố Hòa Bình còn nhằm gìn giữ, phát huy và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc; nâng cao trình độ dân trí, nâng cao đời sống vật chất, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân, trình độ quản lý.
Từ đó tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở các khu du lịch phát triển, tích cực cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận