Quản lý

Đến 2025, toàn bộ cao tốc sẽ điều hành bằng giao thông thông minh

09/07/2020, 10:02

Đến năm 2025, tất cả các tuyến cao tốc trên cả nước sẽ triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS).

img
Hình ảnh xe đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được hệ thống camera của VIDIFI ghi lại

Công cụ để phạt nguội

Ngày 3/7 vừa qua, một chiếc xe tải đi lùi hơn 1km từ nút giao với Trạm thu phí QL38B - Gia Lộc trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ngay lập tức, qua hệ thống giao thông thông minh, đơn vị quản lý khai thác tuyến cao tốc đã phát hiện và phối hợp với CSGT xử phạt tài xế 17 triệu đồng, tước GPLX 6 tháng.

Đây chỉ là một trong số hàng chục trường hợp vi phạm trên tuyến cao tốc này được phát hiện nhờ hệ thống ITS thời gian qua. Ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc TCT Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - đơn vị quản lý cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho hay, dọc tuyến lắp đặt 58 camera giám sát, có khả năng tự động quay quét, giúp nhân viên Trung tâm Điều hành cao tốc có thể quan sát mọi hoạt động trên tuyến dù là nhỏ nhất. Năm 2018, đơn vị đã phát hiện xử lý 275 trường hợp vi phạm; Năm 2019 là 122 vụ.

“Những sự cố giao thông như xe tai nạn, nổ lốp, chết máy... đều được phát hiện và có phương án xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, các hành vi dừng đỗ, lùi xe, đi ngược chiều… cũng được ghi nhận và cung cấp cho lực lượng CSGT làm căn cứ phạt nguội. Quan trọng hơn, hệ thống giúp người tham gia giao thông ý thức hơn vì biết mình bị theo dõi và sẽ bị xử phạt nếu vi phạm. Trong tương lai sẽ áp dụng hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động phát hiện các vi phạm, gửi cảnh báo đến điện thoại di động của đơn vị quản lý hay lực lượng CSGT để xử phạt ngay”, ông Tú nói.

Những lợi ích trên sẽ được nhân rộng khi Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ”. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, Chính phủ xác định 100% các tuyến cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh. Đến năm 2030, hệ thống ITS được triển khai rộng khắp trên mạng lưới GTĐB và hình thành ba trung tâm quản lý, điều hành giao thông tích hợp tại ba miền Bắc, Trung, Nam có sự phối hợp, chia sẻ, liên thông với các trung tâm quản lý, điều hành của đô thị thông minh.

Lo nhất là các dự án cao tốc của VEC

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT (Bộ GTVT), đơn vị trực tiếp soạn thảo Đề án cho biết, ITS có vai trò quan trọng, giúp đảm bảo ATGT, giúp cơ quan quản lý phản ứng kịp thời với các sự cố trên cao tốc. Bên cạnh đó, người dân lưu thông cũng sẽ tiếp cận được dịch vụ thông tin thông suốt.

Đề cập đến tiến độ triển khai cụ thể, ông Tùng cho biết, trong số 1.000km cao tốc hiện có, một số đoạn đã được đầu tư hệ thống ITS như: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng, TP HCM - Trung Lương, Long Thành - Dầu Giây. Trong 5 năm tới, các tuyến cao tốc mới như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai cũng sẽ được đầu tư hệ thống ITS song hành cùng quá trình xây dựng. Đối với những tuyến chưa đầu tư như Hà Nội - Lào Cai, đề án cũng yêu cầu chủ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh.

Liên quan đến trung tâm khu vực tại 3 miền Bắc - Trung - Nam sẽ được xây dựng, ông Tùng cho biết: “Các trung tâm này cũng sẽ chia sẻ thông tin với trung tâm điều hành đô thị thông minh của các thành phố. Người dân di chuyển từ các thành phố lớn đi các tỉnh và ngược lại sẽ biết về tình trạng giao thông trong nội đô và cả trên cao tốc thế nào; các bãi đỗ còn chỗ không, đang ùn tắc ở đâu để lựa chọn phương tiện hay lộ trình phù hợp”.

Ông Võ Anh Tâm, Phó tổng giám đốc TCT Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội) cho rằng, về mặt công nghệ hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu Đề án đặt ra. “Hệ thống ITS không chỉ điều hành, quản lý giao thông mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc gia. Chẳng hạn, nhận diện các đoàn xe cần theo dõi bảo vệ, xe bị đánh cắp. Bên cạnh đó, hệ thống còn có tác dụng dự báo tình trạng giao thông, hỗ trợ về quy hoạch giao thông, cư dân ở khu vực và luồng xe thực tế cần xây dựng thêm hoặc mở rộng để tránh ùn tắc”, ông Tâm cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Tâm, xét ở góc độ chủ đầu tư, vướng nhất hiện nay là nguồn vốn đầu tư của TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) mà kinh nghiệm triển khai dự án thu phí tự động không dừng thời gian qua đã cho thấy điều này. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ quan chủ quản cũng gây những khó khăn nhất định. “Trước đây, VEC thuộc Bộ GTVT, quá trình đầu tư hệ thống ITS sẽ đồng bộ về đầu tư, tiêu chí kỹ thuật cũng như lộ trình triển khai. Khi VEC chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, chịu sự quản lý chuyên ngành và hành chính của hai đơn vị nên sẽ bị vênh về lộ trình, quan điểm triển khai”, ông Tâm nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đã ứng dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ trong quản lý, điều hành theo hướng đồng bộ, hiện đại như hệ thống giao thông thông minh; thu phí điện tử; hệ thống giám sát, xử lý vi phạm ATGT. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực nên mới chỉ triển khai ở phạm vi hẹp hoặc thí điểm. Do đó, các ứng dụng CNTT thiếu đồng bộ, chưa có cơ sở dữ liệu tập trung, khó khăn trong chia sẻ, tích hợp số liệu phục vụ quản lý, điều hành của ngành.

Hiện, hầu hết các tuyến cao tốc đã triển khai hệ thống giao thông thông minh. Đối với các tuyến chưa triển khai, Chính phủ đã cho chủ trương bằng việc phê duyệt đề án nên việc đầu tư sẽ thuận lợi. “Đối với các tuyến của VEC - đơn vị hiện đang quản lý phần lớn số km đường cao tốc, khó nhất vẫn là nguồn vốn triển khai. Vấn đề này Bộ GTVT sẽ tìm hướng triển khai và báo cáo Thủ tướng để đề án sớm đi vào cuộc sống”, ông Thắng nói.

Trên 1.000 tỷ đồng thực hiện đề án

Mục tiêu cụ thể của Đề án “Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ” là đến năm 2025 hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT, trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành GTVT đầy đủ, kịp thời, chính xác cho người ra quyết định. 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc trung ương và địa phương có nhu cầu.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 1.115 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển được cân đối hàng năm cho các bộ, ngành, địa phương; kinh phí tự cân đối và huy động hợp pháp khác của các đơn vị thuộc đối tượng tham gia Đề án; kinh phí tài trợ từ các nước và tổ chức quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.