Theo quy hoạch, đến năm 2030, sẽ phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới, kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quốc gia.
Qua đó, kiềm chế sự gia tăng về cháy, nổ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và tài sản, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Theo quy hoạch mới, mỗi huyện có tối thiểu 1 đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Với quy hoạch này, dự kiến cần khoảng 89.332 tỷ đồng vốn đầu tư hạ tầng phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2030.
Nguồn vốn sẽ từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA, nguồn vốn địa phương hỗ trợ; nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu là nguồn ngân sách Nhà nước.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, sẽ phân vùng hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thành 6 vùng. Mỗi vùng có các địa phương trung tâm và địa phương trọng điểm, được ưu tiên đầu tư để hỗ trợ các địa phương trong vùng, giáp ranh khi có yêu cầu.
Ngoài ra, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 1 đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đặc biệt, trong quy hoạch nhấn mạnh việc phát triển đồng bộ các loại hình giao thông đáp ứng yêu cầu phòng cháy và chữa cháy, đồng thời, từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, phố, ngõ trong các khu dân cư để xe chữa cháy có thể hoạt động khi xảy ra cháy, nổ tai nạn, sự cố.
Thực tế hiện nay, đã có nhiều vụ cháy thương tâm, khó cứu vì nằm sâu trong ngõ hẹp. Mới nhất là vụ cháy nhà ở ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa khiến ba người tử vong. Do ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ nên quá trình chữa cháy gặp nhiều khó khăn, xe cứu hỏa không vào được gần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận