Thực tế, nếu như giá xăng dầu trong nước chỉ dao động trong khoảng từ 19.000-22.000 đồng, mức giá này không vượt quá "sức chịu đựng" của người dân và doanh nghiệp. Còn khi giá xăng trên 22.000 đồng thì điều hành cần phải tìm cách điều tiết.
Trong vòng 2 tháng qua, giá xăng dầu tăng 6 lần liên tiếp, chạm ngưỡng gần 25.000 đồng/lít. Ảnh minh họa: Tạ Hải.
Nhưng tiếc rằng, Quỹ Bình ổn xăng dầu còn rất nhiều tiền nhưng không chi sử dụng. Rõ ràng điều hành "không ổn" chút nào.
Dư luận không khỏi băn khoăn và có cảm giác cơ quan quản lý điều hành giá xăng dầu chưa thực sự hướng đến người dân và doanh nghiệp.
Nếu không kiểm soát giá xăng dầu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng, xa hơn nữa là tình hình sản xuất kinh doanh, là mục tiêu tăng trưởng.
Chưa kể, hiện nay Quỹ này để ở doanh nghiệp, tiền này là tiền của dân, doanh nghiệp quản lý có thể dùng số tiền này vào mục đích khác, như vậy không công bằng với người dân tham gia đóng góp vào Quỹ Bình ổn xăng dầu.
Nếu không quản được thì bỏ là điều đúng đắn nhất, để xăng dầu tiến tới thị trường. Thực tế đã cho thấy, Quỹ này hoạt động không hiệu quả, cho nên phải có những giải pháp thay thế.
Để thị trường xăng dầu hiệu quả, tránh đứt gãy nguồn cung, quan trọng nhất phải dự trữ bằng hiện vật là nguồn xăng dầu. Cơ quan quản lý nhà nước nên sớm nhận ra vấn đề là không nên can thiệp quá sâu để kiểm soát và điều hành giá xăng dầu.
Giá bán lẻ xăng dầu nên để thị trường tự quyết định, Nhà nước chỉ giám sát chất lượng, để doanh nghiệp tự chủ, tự mua bán, tự chịu trách nhiệm, không có cơ chế xin cho, không độc quyền và không có lợi ích nhóm.
Tại hội nghị triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV diễn ra ngày 6/9, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Trong đó, một số đại biểu băn khoăn với việc Quỹ Bình ổn xăng dầu hiện giao cho doanh nghiệp quản lý, trong khi giao Bộ Tài chính mới là hợp lý.
Cùng đó, về lâu dài để giá xăng dầu theo kinh tế thị trường thì không nên duy trì Quỹ Bình ổn xăng, dầu. Dù hiện tại việc duy trì quỹ này là cần, song cần có lộ trình về việc tồn tại của quỹ này.
Bởi đây là quỹ ngoài ngân sách, không dùng ngân sách nhà nước, được doanh nghiệp trích lập và sử dụng nhưng mức trích lập, mức chi lại dựa trên quyết định của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công thương. Đó là một bất cập.
Trong việc điều hành giá xăng dầu, Nhà nước có thể can thiệp bằng nhiều chính sách khác như thuế, phí và việc dự trữ quốc gia về xăng dầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận