Ngày 23/9, theo thông tin từ Sở TT&TT tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch hoạt động Ban chỉ đạo (BCĐ) chuyển đổi số tỉnh Cà Mau năm 2022. Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Mục tiêu của kế hoạch là phát triển hạ tầng số, với tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh phấn đấu đạt 85%; tỷ lệ hộ gia đình có đường truyền Internet cáp quang băng rộng phấn đấu đạt 75%.
Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau.
Đồng thời, phát triển Chính quyền số, với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ 80%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đạt 100% (đối với TTHC tiếp nhận tại Bộ phận một cửa cấp tỉnh từ ngày 1/6/2022; đối với TTHC tiếp nhận tại Bộ phận một cửa cấp huyện từ ngày 1/12/2022).
Song song đó là phát triển kinh tế số và xã hội số. Cụ thể, hỗ trợ 20 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tiếp cận các nền tảng chuyển đổi số; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử trên 65%...
Ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cà Mau cho biết, theo kế hoạch Sở TT&TT tỉnh Cà Mau chịu trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chuyển đổi số; hướng dẫn hoạt động Tổ Công nghệ số cộng đồng; phát triển nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, triển khai thí điểm nền tảng phân tích xử lý dữ liệu tổng hợp cấp tỉnh; triển khai App ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến sử dụng trên nền tảng thiết bị di động.
Đồng thời, xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC); tham mưu đề xuất UBND tỉnh tổ chức bộ máy và quy chế vận hành trung tâm IOC. Tham mưu kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
“Đặc biệt, Sở chịu trách xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định 146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, ông Đen thông tin thêm.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Huỳnh Quốc Việt chia sẻ: “Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành số hóa lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đến năm 2030, số hóa toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% GRDP của tỉnh; đưa Cà Mau trở thành một trong những tỉnh, thành phố chuyển đổi số thành công của cả nước”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận