Tối thiểu hai đèn phanh đối xứng phải hoạt động
Đường dây nóng của Báo Giao thông nhận được câu hỏi thắc mắc của bạn đọc về việc ô tô con bị hỏng một đèn phanh, không sáng khi thao tác đạp phanh, liệu có bị từ chối đăng kiểm hay không?
Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, đèn phanh có nhiệm vụ báo hiệu cho người tham gia giao thông khác biết người lái xe ô tô đang phanh xe, từ đó chú ý quan sát, chủ động điều chỉnh tốc độ hoặc thay đổi hướng di chuyển nhằm tránh xảy ra va chạm.
Loại đèn chiếu sáng này nằm ở vị trí phía sau xe, trong cụm đèn hậu và bắt buộc phải có ánh sáng màu đỏ.
Nếu đèn phanh bị hư hỏng, không sáng khi tài xế đạp phanh xe, không chỉ gây nguy hiểm cho người lái mà còn ảnh hưởng tới những phương tiện cùng tham gia giao thông.
Ngoài ra, theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (QCVN 09:2015), ô tô phải có tối thiểu hai đèn phanh được lắp đặt đối xứng với nhau trong cụm đèn hậu.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều mẫu ô tô có đến 3 đèn phanh do được nhà sản xuất thiết kế thêm một đèn phanh nằm trên kính hậu của xe (gọi là đèn phanh trung tâm), bên cạnh hai đèn phanh đối xứng theo quy định của QCVN 09:2015.
Theo quy định tại Thông tư 08/2023 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023 và Thông tư 16/2021 quy định về kiểm định xe cơ giới), nếu đèn phanh không đầy đủ, vỡ; lắp đặt không đúng vị trí, không chắc chắn; không sáng khi phanh xe; màu ánh sáng không phải màu đỏ; cường độ sáng và diện tích phát sáng không đảm bảo nhận biết ở khoảng cách 20m trong điều kiện ánh sáng ban ngày sẽ được xếp vào trường hợp hư hỏng, khiếm khuyết quan trọng và không đạt kiểm định ở hạng mục này. Do đó, ô tô cũng sẽ bị trượt đăng kiểm.
"Nói riêng về sự hoạt động của đèn, khi đăng kiểm viên kiểm tra bắt buộc hai đèn đối xứng hai bên ở cụm đèn hậu phải sáng, ô tô mới đạt đăng kiểm. Trường hợp một trong hai đèn này bị hỏng, không sáng, nứt vỡ… ô tô sẽ bị trượt kiểm định.
Tuy nhiên, đối với xe có 3 đèn phanh, đèn trung tâm nằm trên kính hậu nếu không sáng thì vẫn đạt kiểm định", lãnh đạo trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội nói thêm.
Đèn phanh ô tô hư hỏng vì sao?
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc bị cháy bóng dẫn đến hư hỏng đèn phanh còn có nguyên nhân khác đó là do công tắc bàn đạp phanh bị hư hỏng.
Công tắc này là một nút bấm nằm dọc theo trục của bàn đạp phanh, ngay phía trên pedal. Khi người lái đạp phanh, nút bấm sẽ được kích hoạt và làm cho đèn báo phanh bật sáng.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, công tắc bàn đạp thường bị cháy hoặc mòn lớp đồng, dẫn tới tình trạng đèn phanh ô tô không tắt, sáng liên tục.
Bên cạnh đó, quá trình đạp phanh liên tục của người điều khiển sẽ khiến cho tấm chắn bị mài mòn, dẫn tới hiện tượng rơi, thủng hoặc vỡ và để lại lỗ hổng trên cần của bàn đạp phanh.
Khi đó, nút bật/tắt sẽ xuyên qua vị trí khuyết và mở kết nối giữa ECU pin với ắc quy, cung cấp điện liên tục khiến đèn báo phanh không thể tắt.
Mặt khác, nếu lái xe chưa kéo hết phanh tay hoặc hệ thống chống bó cứng phanh ABS được trang bị trên hầu hết các mẫu ô tô mới hiện nay gặp vấn đề cũng khiến cho đèn phanh sáng liên tục trong quá trình vận hành.
Trong các trường hợp trên, chủ xe cần phải đưa ô tô đi sửa chữa, khắc phục. Nếu không khắc phục, khi đưa xe đi kiểm định sẽ bị trượt đăng kiểm, thậm chí tham gia giao thông trên đường còn bị xử phạt.
Cụ thể Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định, phạt tiền từ 300 – 400 nghìn đồng nếu điều khiển xe không có đủ đèn báo hãm hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (đối với loại xe được quy định phải có những thiết bị đó).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận