Đèn giao thông giảm tắc nghẽn 10%
Sở Giao thông vận tải Jakarta vừa hợp tác với Google lắp đặt 20 đèn tín hiệu giao thông được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giảm thiểu ùn tắc. Hệ thống này hoạt động theo nguyên tắc sử dụng camera giám sát ghi lại tình trạng giao thông theo thời gian thực.
Hình ảnh chụp từ camera giám sát sẽ được phân tích để điều chỉnh thời lượng của đèn giao thông theo mật độ phương tiện. Những đoạn đường ùn tắc hơn sẽ có thời lượng đèn xanh dài hơn để giảm mật độ xe qua ngã tư.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Jakarta, ông Syafrin Liputo cho biết: “Từ trước đến nay, việc quản lý thời lượng đèn giao thông chỉ được thực hiện thủ công. Nhưng bây giờ sẽ có công nghệ sử dụng các thuật toán tự động tính toán, điều chỉnh trong thời gian thực”.
Phòng Kiểm soát giao thông, Trung tâm Vận hành mạng lưới đèn tín hiệu thông minh tại Jakarta. Ảnh: Kompas.
Ông Syafrin cho hay, AI sẽ giúp giảm tắc nghẽn thành công nhờ xác định thời lượng đèn xanh dài hơn đối với các đoạn đường đông đúc. Hơn nữa, hệ thống này còn có thể nhận ra các phương tiện giao thông công cộng, như xe buýt của nhà điều hành Transjakarta, từ đó sẽ dành ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng đồng thời ứng dụng vào thu phí điện tử.
Bước đầu, 20 đèn tín hiệu giao thông trang bị công nghệ AI đã được lắp đặt. Sở Giao thông vận tải Jakarta dự định sẽ lắp đèn tương tự ở 40 giao lộ thường xuyên tắc nghẽn trong năm nay.
Chi phí mua sắm, lắp đặt công nghệ AI cho đèn tín hiệu ở 20 giao lộ lên tới 78 tỷ IDR (khoảng 5,1 triệu USD).
Nhân dịp đến thăm Trung tâm Điều hành mạng hệ thống GTVT thông minh ở Jakarta hồi đầu tháng 7 này, quyền Thống đốc Jakarta Heru Budi Hartono đặt kỳ vọng: “AI tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát tắc nghẽn giao thông, cải thiện lưu lượng giao thông từ 15-20% tại mỗi điểm mà hệ thống được triển khai, qua đó giảm tắc nghẽn từ 54% xuống 48%”.
Lại tính tăng phí đỗ xe, xóa điểm quay đầu
Theo ước tính của Cảnh sát Jakarta, mỗi ngày, có hơn 22 triệu phương tiện xe cơ giới di chuyển trên các tuyến đường thành phố, cộng với hàng triệu phương tiện khác tại các thành phố vệ tinh thuộc vùng thủ đô.
Năm 2017, Jakarta được công ty công nghệ định vị TomTom của Hà Lan xếp vào vị trí thủ đô đứng thứ tư trong danh sách các thành phố tắc nghẽn nhất thế giới. Năm 2021, giao thông Jakarta đã được cải thiện và xếp hạng 46 nhờ các biện pháp hạn chế đi lại để phòng dịch Covid-19.
Rất đông phương tiện chờ đèn đỏ tại một ngã tư ở Jakarta. Ảnh: Kompas.
Tuy vậy, khi đại dịch được kiểm soát, tình trạng tắc nghẽn giao thông đã quay trở lại và thủ đô Indonesia nhích dần về vị trí thứ 29 trong danh sách của TomTom vào năm 2022.
Để giải quyết tắc nghẽn, trước khi dự định lắp đặt đèn tín hiệu thông minh, quyền Thống đốc Jakarta Heru Budi Hartono đã ra lệnh xóa 32 điểm quay đầu xe trên toàn thành phố - vốn được cho là nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông.
Đồng thời, thủ đô hơn 10 triệu dân đề nghị các công ty tư nhân bắt đầu ngày làm việc vào 2 khung giờ khác nhau là 8h và 10h sáng.
Ngoài ra, ông Heru công bố kế hoạch mở rộng các tuyến xe buýt công cộng đến nhiều điểm ở các thành phố vệ tinh của Jakarta. Trong đó, có các điểm Depok và Bogor thuộc tỉnh Tây Java, cũng như sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở thành phố Tangerang thuộc tỉnh Banten.
Mặt khác một số nhà phân tích đã kêu gọi chính quyền thành phố Jakarta thực thi các chính sách cứng rắn hơn để giảm tắc nghẽn giao thông như thu phí sử dụng đường bộ qua hệ thống thu phí điện tử và tăng phí đỗ xe nhằm ngăn người dân sử dụng các phương tiện cá nhân.
Ông Gembong Warsono, thành viên Hội đồng thành phố Jakarta lưu ý, khi ứng dụng đèn tín hiệu giao thông thông minh, cần phải so sánh mức độ tắc nghẽn trước và sau khi lắp rồi mới quyết định phân bổ thêm ngân sách cho chương trình hay chấm dứt hoàn toàn.
Đồng thời, cần công khai dữ liệu đó cho người dân. Nếu dự án không hiệu quả, giới chức nên thực hiện sáng kiến khác và phối hợp cùng với các cơ quan liên quan để giải quyết nỗi đau đầu về tắc nghẽn giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận