Đường bộ

Đèo Cả hợp tác đào tạo nhân lực làm metro, đường sắt tốc độ cao

27/07/2023, 20:24

Tập đoàn Đèo Cả “bắt tay” với Trường Đại học GTVT TP.HCM đào tạo nhân lực chất lượng cao tham gia các dự án đường sắt, metro trong tương lai.

Nắm bắt nhanh với mục tiêu chiến lược xây dựng và phát triển đường sắt - metro của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong giai đoạn 2025 - 2035, đặc biệt là các tuyến metro của Hà Nội, TP.HCM, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Tập đoàn Đèo Cả (DCG) đã hợp tác với Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM (UTH) để tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khi các dự án triển khai.

img

Tập đoàn Đèo Cả chủ động hợp tác đào tạo, chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực tham gia thi công các dự án đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị

Theo đó, DCG và UTH thống nhất thành lập dự án đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng thực hành Đại học giao thông vận tải TP.HCM - Đèo Cả, cùng cử nhân sự tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, phương án tuyển chọn nhân sự, tiêu chuẩn đánh giá đầu ra và tiếp nhận sau đào tạo.

DCG sẽ đặt ra các tiêu chí về trình độ và chất lượng sau đào tạo để UTH chọn lọc sinh viên. Toàn bộ nhân lực được tiếp nhận sẽ có chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Đối với các sinh viên năm 3 trở đi có nhu cầu chuyển chuyên ngành sang đường sắt - metro, nếu phát sinh chi phí đào tạo bổ sung DCG sẽ chi trả toàn bộ và bố trí cơ hội thực tập kèm định mức hỗ trợ. DCG sẽ tài trợ học bổng, đài thọ các khoá học chuyên sâu ở nước ngoài đối với sinh viên xuất sắc.

Mô hình hợp tác gồm đặt hàng tại nguồn và đào tạo tại chỗ. Theo mô hình đặt hàng, UTH thiết kế chương trình đào tạo riêng theo đơn đặt hàng của DCG và đào tạo gói nhân lực đường sắt cao tốc và metro riêng cho Tập đoàn. Nội dung đào tạo gồm 30% lý thuyết và 70% thực địa tại công trình, dự án do DCG thống nhất với UTH.

Đối với mô hình đào tạo tại chỗ, UTH thiết kế chương trình đào tạo theo hướng lý thuyết hoá và hệ thống hoá thực hành cho kỹ sư của DCG, áp dụng đối với chuyên ngành công trình giao thông, cơ khí ô tô, tổ chức và quản lý vận hành; UTH tổ chức chương trình đào tạo chuyển đổi văn bằng sang ngành đường sắt - metro cho các cán bộ kỹ thuật của DCG; Thiết kế chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho kỹ sư của DCG, tuân thủ điều kiện cấp bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để tăng cường tính thực tiễn trong đào tạo, UTH thường xuyên cử sinh viên thực tập tại các đơn vị, công trường dự án của DCG với sự hỗ trợ tối đa về cán bộ hướng dẫn, quá trình đi lại, ăn ở.

Bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số, UTH và DCG cũng sẽ phối hợp nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề về khoa học công nghệ, công nghệ số cho các hoạt động của DCG trong lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải.

Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư, tổng thầu thi công các công trình hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với hơn 20 đơn vị thành viên và trên 6.000 lao động.

DCG đã đầu tư, thi công và đang quản lý, khai thác vận hành các công trình tầm vóc quốc gia như chuỗi hầm đường bộ ở khu vực miền Trung (hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân,…), hầm Thung Thi, cầu Tình Yêu, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận. Tổng mức đầu tư các dự án hơn 100.000 tỷ đồng.

Với bề dày hoạt động và phát triển 38 năm, có kinh nghiệm về thi công, quản trị và văn hóa doanh nghiệp phong phú, DCG cam kết phối hợp chặt chẽ để các đơn vị, giảng viên của UTH tiếp cận với công nghệ quản trị, văn hóa doanh nghiệp.

UTH cũng có thể tham gia tư vấn, thực hiện cho các dự án sẽ triển khai đầu tư, thi công trong và ngoài nước của DCG, ứng công nghệ thi công hầm NATM, TBM, cầu dây văng… bằng cách cử nhân sự cùng tham gia thực hiện các dự án

Cụ thể hóa hợp tác, hai bên sẽ bố trí nguồn lực, cơ sở vật chất xây dựng Trung tâm ứng dụng thực hành Đèo Cả ngay tại trường UTH, chuyên sâu nghiên cứu mô hình BIM, tổ chức thi công khoan hầm sử dụng TBM, xây dựng Trung tâm quản lý chất lượng, an toàn lao động…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.