Xã hội

Dẹp loạn vỉa hè, có nên thí điểm cho thuê?

Nhiều ý kiến cho rằng, cho thuê 1 phần vỉa hè không chỉ tạo được nguồn thu, hạn chế tiêu cực mà còn giúp vỉa hè ngăn nắp hơn.

Nhiều hộ kinh doanh mong muốn thuê một phần vỉa hè

TP Hà Nội đang đồng loạt ra quân, xử lý các vi phạm vỉa hè với phương châm "giành lại vỉa hè" cho người đi bộ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp ra quân, xử lý chỉ là "cắt ngọn". Với tình trạng vỉa hè thành nơi mưu sinh của rất nhiều người dân đô thị hiện nay, cần tính đến bài toán kinh tế vỉa hè để vừa tạo được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, hạn chế tiêu cực mà còn giúp vỉa hè ngăn nắp hơn.

img

Có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu việc cho thuê một phần vỉa hè để tạo nguồn thu cho ngân sách

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, đặc thù của Việt Nam từ trước đến nay, vỉa hè là nơi kinh doanh, kiếm tiền mưu sinh của nhiều người dân.

"Trên thế giới, nhà của họ sống theo cụm còn việc kinh doanh buôn bán thì ở nơi khác. Đối với Việt Nam, nhà ở của người dân ít theo cụm mà ở theo tuyến đường giao thông, chính vì thế vỉa hè mới được tận dụng để làm nơi kinh doanh, buôn bán", ông Hòa nói.

Tuy nhiên, luật pháp hiện không quy định vỉa hè được sử dụng cho việc kinh doanh, nên việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh hiện nay là lén lút, chiếm dụng.

"Mà để tồn tại việc vỉa hè bị chiếm dụng, thì dư luận đương nhiên đặt câu hỏi có sự chung chi", ông Hòa nói.

Vì thế, ông Hòa cho rằng, phương án cho phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh theo hình thức thu phí cần được nghiên cứu.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, thực tế, một số nước trên thế giới cũng đã tiến hành thu phí sử dụng vỉa hè và phí đỗ xe ở lề đường tính theo giờ.

"Đơn cử như tại Pháp, các quán cà phê và nhà hàng sử dụng vỉa hè để kinh doanh đều phải xin phép và phải trả phí, tùy theo khu vực và địa hình. Càng vị trí trung tâm, thì mức phí càng cao. Nguồn thu từ các loại phí này đã góp phần vào việc chỉnh trang, duy trì hạ tầng và dịch vụ công ích", ông Bình nói.

Cần đưa ra điều kiện vỉa hè nào có thể cho thuê

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, tại Việt Nam, để cho thuê được vỉa hè, cần phải đồng bộ các quy định pháp luật.

"Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, do vậy hiện pháp luật quy định không được sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán", ông Bình nói.

img

Nếu vỉa hè được cho thuê minh bạch thì cũng hạn chế được hiện tượng tiêu cực

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, để cho thuê vỉa hè, cần phải quy định rõ, vỉa hè nào được phép kinh doanh, vỉa hè nào không được phép.

"Phải ưu tiên cho người đi bộ, nếu vỉa hè nào không đủ diện tích thì tuyệt đối không được kinh doanh. Cùng với đó là phải quy định cụ thể diện tích được sử dụng từ nhà ra vỉa hè là bao nhiêu mét, phải đảm bảo vệ sinh môi trường và muốn sử dụng thì người dân phải nộp thuế. Điều này cũng hạn chế được tiêu cực, chung chi nếu có", ông Hòa nói.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu thực hiện cho thuê một phần vỉa hè sẽ giúp ngăn chặn những hành vi "xin - cho" cũng như nạn tham nhũng vặt.

"Khi đã cho người dân thuê thì phải có những cơ chế rất rõ ràng, cụ thể, minh bạch. Giá cho thuê phải công khai để không xuất hiện tình trạng "xin - cho". Và sẽ cần có những cơ chế tài chính, quy định về thời gian thuê, diện tích sử dụng cụ thể. Các hộ phải có trách nhiệm với phần vỉa hè còn lại của người đi bộ", ông Thịnh nói.

PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ GTVT cho biết, để giải quyết vấn đề này cần có luật riêng, hài hoà giữa Luật Giao thông đường bộ và những luật khác như Luật Đô thị.

"Nếu vỉa hè rộng, đủ điều kiện để cho phép kinh doanh mà không ảnh hưởng đến người đi bộ thì ta nên cho phép người dân được thuê để sử dụng. Hài hòa được lợi ích kinh tế mà người dân vẫn có lối đi", PGS.TS Doãn Minh Tâm nói và đề xuất rà soát lại, đề ra những chính sách và quy định cho phù hợp với vỉa hè.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh cũng cho rằng, với những tuyến phố có việc kinh doanh vỉa hè là đặc trưng riêng, phục vụ cho khách du lịch hoặc đối tượng đi bộ nhiều thì có thể cân nhắc và cho phép kết hợp sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh.

"Còn đối với tuyến đường thuần tuý chỉ dành cho lưu thông thì không nên cho phép dùng vỉa hè để kinh doanh. Nếu cho phép kinh doanh đại trà trên vỉa hè thì nó sẽ tạo ra sự nhếch nhách của đô thị", ông Thịnh nêu quan điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.