Đa số vỉa hè các tuyến phố ở Hà Nội đều đã được trả lại cho người đi bộ (Ảnh chụp tại phố Hàng Gai, Hà Nội, chiều 29/3) |
Tiểu thương sẵn sàng trả tiền thuê vỉa hè
Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện “chiến dịch dẹp vỉa hè”, diện mạo nhiều tuyến phố tại Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Trước một dải vỉa hè rộng thoáng tới hơn 10m, ít ai ngờ đây lại là khung cảnh của tuyến phố Đặng Văn Ngữ (Đống Đa – Hà Nội), nơi từng nổi tiếng với những hàng cơm, lẩu, các quán bia nhậu ồn ã. Thời điểm PV Báo Giao thông có mặt tại con phố này, dù là giờ cao điểm ăn trưa, song nhiều cửa hàng khá vắng vẻ. Trao đổi với phóng viên, chị Lê, chủ cửa hàng bia Lê Tuấn chia sẻ: “Từ khi dẹp vỉa hè, lượng khách đến quán giảm đến gần một nửa, cửa hàng cũng không còn đủ chỗ để xe, muốn để phải gửi ở bãi cách đây một cây số, bất tiện như vậy khách nào dám đến nữa”.
"Trong một thời gian rất nhanh, chính quyền cần phải quy hoạch công năng cho mỗi đoạn vỉa hè và nơi nào “có nhu cầu hợp lý và có thể đáp ứng được” thì cho thuê vỉa hè để thu tiền về ngân sách thành phố với các thủ tục hành chính và giá, phí minh bạch”. TS. Lương Hoài Nam |
Tương tự, ghi nhận của PV trên các tuyến phố như: Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lò Sũ, Lý Thái Tổ... các hộ kinh doanh đều cho biết, sau chiến dịch dẹp vỉa hè, doanh thu của họ bị ảnh hưởng tương đối lớn. Cô Trang, chủ cửa hàng Cơm gà số 2 Lý Thái Tổ cho biết: “Từ ngày dẹp vỉa hè, doanh thu giảm tới 2/3 so với trước. Vì cửa hàng nhỏ, chỉ đủ chỗ đun nấu, đến chỗ để xe còn không đủ, nên không có vỉa hè thì khách chẳng biết ngồi đâu!”. Trước tình cảnh trên, đa số các nhà hàng đều phải chuyển sang hướng bán đồ ăn gói sẵn cho khách mang về. Nhân viên quán Vua Tào Phớ, số 192 Hàng Bông cho hay: “Bây giờ bọn mình không dám để khách ngồi ở vỉa hè, chỉ nhắc khách mua mang về được thôi. Thực ra, nhiều khi bất tiện vì khách muốn ngồi nhưng không còn cách nào khác nên họ lại đi. Vì thế, doanh thu cũng có phần giảm”. Bà Lan, người chuyên bán hàng nước đã hơn 10 năm nay gần đấy, bà tâm sự: "Quán nước là nguồn thu nhập chính của gia đình ba người, bây giờ bị lấy lại vỉa hè, không còn chỗ bán nên việc buôn bán cũng khó khăn hơn nhiều”. Bà Lan cũng bày tỏ hi vọng Nhà nước sẽ có hỗ trợ cho những người bán quán như bà.
Khi được hỏi về việc có chấp nhận thuê vỉa hè để kinh doanh không, các hộ kinh doanh đều khẳng định sẵn sàng trả phí nếu có quy định. “Mức giá thế nào phụ thuộc quy định của Nhà nước, chúng tôi sẽ không trả giá, tuy nhiên cũng cần có mức hợp lý để người dân làm ăn có lãi thì mới thuê được”, chủ hiệu cơm gà tại Lý Thái Tổ cho hay.
Người dân vẫn ủng hộ dẹp loạn vỉa hè
Ngày 29/3, trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) nhận định: Vỉa hè là nơi kinh doanh buôn bán của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hàng hóa và ăn uống. Chính vì thế, hoạt động dọn dẹp vỉa hè trong giai đoạn đầu chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến một số hộ sử dụng vỉa hè để kinh doanh.
Được biết, trong tháng 3, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ loại trừ yếu tố giá chỉ còn 6,2%, thấp hơn mức tăng 7,5% cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 3 cũng giảm 0,87% (trong đó thực phẩm giảm 1,22%), đồ uống và thuốc lá giảm 0,02%, may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,12%. Tuy nhiên, bà Thủy khẳng định đây là kết quả do nhiều yếu tố tác động chứ không chỉ riêng hoạt động dọn dẹp vỉa hè. “Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, dù ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo, thu nhập của nhiều người nhưng họ nhận thức được đó là chủ trương đúng nên vẫn ủng hộ”, bà Thủy nói.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, hiện nay, số cơ sở sản xuất kinh doanh hộ cá thể của nước ta vào khoảng 4,6 - 4,8 triệu hộ bao gồm cả các hộ sản xuất công nghiệp, kinh doanh vận tải, thương mại dịch vụ... Các cơ sở kinh doanh cá thể chỉ góp 11 - 13% vào GDP chứ không như tin đồn 30 - 50%. “Chiến dịch dọn vỉa hè đương nhiên ban đầu sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, lực lượng nhân công của các hộ kinh doanh buôn bán hàng hóa, dịch vụ ăn uống nhưng về lâu dài thì chúng ta cũng phải ủng hộ chủ trương của Nhà nước và tạo thói quen văn minh đô thị, không lấn chiếm, sử dụng tài sản công cho cá nhân”, bà Thủy nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận