Tôi có một người quen làm cán bộ trong một cơ quan nhà nước, có khá nhiều mối quan hệ. Trước đây, anh thường lái xe sau khi đã dự tiệc tùng, liên hoan. Nhưng gần đây, mỗi lần buộc phải uống rượu bia, anh chỉ đi taxi về nhà, không bao giờ cầm lái.
“Trước đây mỗi lần vi phạm giao thông, có lần nhờ mối quan hệ nên cũng không bị xử lý. Nhưng quả thực với việc cảnh sát làm nghiêm với vi phạm nồng độ cồn như hiện nay, tôi không dám nữa!”, anh bộc bạch.
Lực lượng chức năng phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ra quân nhắc nhở và yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè trong sáng 1/3.
Nhiều người bạn của tôi cũng đã làm như vậy. Giờ đây, mỗi khi nhậu nhẹt xong, họ thường bắt taxi, xe ôm công nghệ, hoặc nhờ người chở về chứ không còn trực tiếp cầm lái.
Họ, cũng như nhiều người khác trong xã hội, đã thực sự “biết sợ” trước việc cảnh sát có thể hỏi đến mình bất cứ khi nào, nếu đã uống rượu bia mà vẫn lái xe! Chưa nói đến mức phạt rất nặng, việc bị tước bằng lái đến 2 năm trời sẽ là câu chuyện rất rắc rối.
Từ câu chuyện xử phạt vi phạm nồng độ cồn được ngành công an thực hiện rất quyết liệt thời gian qua, có thể thấy ý thức của nhiều người trong xã hội đã thay đổi rất nhiều.
Liên hệ với một vấn đề thời sự khác đang được cả xã hội quan tâm, là chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, tôi nghĩ nếu việc này cũng được triển khai quyết liệt, với quyết tâm cao giống như xử lý vi phạm nồng độ cồn, có lẽ việc dẹp loạn vỉa hè sẽ không còn phức tạp nữa.
Thật sự, một chuyện như dẹp vỉa hè tưởng như rất nhỏ nhưng suốt bao năm cả hai thành phố lớn là Hà nội và TP.HCM vẫn loay hoay không làm được, dù lãnh đạo thành phố luôn rất quyết tâm. Vậy thì căn nguyên vấn đề này là gì?
Có thể thấy rõ lợi ích từ việc lấn chiếm vỉa hè để buôn bán kinh doanh liên quan đến lợi ích của không chỉ một vài cá nhân, mà có khi là cả nhiều nhóm. Vậy trước tiên, cần nhận diện vỉa hè đem lại lợi ích cho những ai? Và trách nhiệm trong việc quản lý với từng tuyến vỉa vè thuộc đơn vị nào, là quận, hay phường hay sở, ngành nào?
Hành vi lấn chiếm vỉa hè là hành vi công khai, bất cứ ai cũng có thể thấy. Nó không phải cái kim sợi chỉ để có thể giấu diếm. Vậy nên tại những nơi vỉa hè bị lấn chiếm, câu hỏi đầu tiên đặt ra là đơn vị quản lý đã làm hết trách nhiệm hay chưa, liệu có bảo kê, chống lưng hay không? Bởi các quy định đều đã có, chỉ là người ta có thực hiện nghiêm túc, có đánh trống bỏ dùi hay không mà thôi.
Thực tế cho thấy, cứ mỗi lần có chiến dịch, vỉa hè lại phong quang, sạch đẹp đến lạ thường. Nhưng hết chiến dịch, mọi chuyện lại đâu vào đấy.
Lần này, cả Hà Nội và TP.HCM đều đang khởi động lại việc dẹp loạn vỉa hè. Nhiều ý kiến chuyên gia, người dân đóng góp đã chỉ ra những việc cần làm. Trong đó, đáng chú ý là việc phải gắn trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự vỉa hè. Nếu nơi nào để tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng nhiều thì cần xử lý nghiêm cán bộ có trách nhiệm.
Làm được như vậy, tôi tin tình hình sẽ khác. Bởi lâu nay, dường như chưa một cán bộ nào bị kỷ luật hay xử lý trách nhiệm khi vỉa hè bị tái chiếm cả.
Bên cạnh đó, cần tăng chế tài xử phạt, chứ như hiện nay, hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè chỉ bị xử phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng đối với cá nhân, từ 200 - 400 nghìn đồng đối với tổ chức. Với mức phạt này, nhiều người không nhờn luật mới là lạ.
Và để tăng tính răn đe, cần có thêm hình phạt bổ sung như cấm kinh doanh trong thời hạn với hộ vi phạm, thậm chí tịch thu phương tiện, hàng hoá vi phạm.
Nếu việc dẹp loạn vỉa hè được thực hiện giống như xử phạt "ma men" lái xe, vỉa hè chắc chắn sẽ trở về đúng nghĩa của nó là dành cho người đi bộ, chứ không khiến cho bộ mặt đô thị nhếch nhác, mất mỹ quan, mất an toàn như hiện nay.
Nếu bất cứ hành vi vi phạm nào cũng bị xử lý nghiêm minh, kịp thời, liệu có ai còn dám làm ngơ hay đứng ra bảo kê, chống lưng?
Th.s Trần Thị Thương Huyền
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận