Cảnh sắc trữ tình nơi đây không khỏi khiến du khách ngỡ ngàng và trầm trồ khen ngợi mỗi dịp ghé thăm.
Để trực tiếp “mục sở thị” chốn bồng lai tiên cảnh ấy ở Quảng Trị, ngay từ mờ sáng, chúng tôi đã xuất phát từ trung tâm thị trấn Gio Linh, xuôi theo đường 75B về phía Cửa Việt. Đi được tầm khoảng 6km thì đồi cát vàng Nhĩ Hạ (thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Thành, huyện Gio Linh) hiện ra mơ màng, trễ nải. Nơi đây được mệnh danh là “tiểu sa mạc” giữa xứ đồng bằng, là nơi dừng chân lý tưởng cho những ai mê thiên nhiên hoang sơ.
Quả đúng như danh xưng lưu truyền, vừa đặt chân lên từng sóng cát mịn màng, tuyệt đẹp của đồi cát vàng Nhĩ Hạ, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến trải nghiệm thú vị khác. Có lẽ thời khắc đẹp nhất để ngắm cảnh là lúc bình minh hay hoàng hôn bởi khi mặt trời vừa ló dạng, cả đồi cát như phát sáng, nhấp nhô trong gió nhưng lúc chiều tà buông xuống lại bừng sắc vàng rực, lung linh và huyền ảo. Khoảnh khắc đất trời giao nhau lúc ấy vừa thi vị vừa như giúp con người rũ bỏ những lo toan, muộn phiền trong cuộc sống mà hòa mình vào vẻ đẹp tĩnh tại của thiên nhiên.
Đồi cát vàng Nhĩ Hạ nằm trong hệ thống các đồi cát trải dài từ Gio Thành đến Trung Giang (thuộc huyện Gio Linh), có chiều cao khoảng 30m và chia thành nhiều ngọn đồi sừng sững xếp cạnh nhau như một bức tường thành vững chãi ngăn nạn cát bay và gió mùa cho cư dân địa phương. Tuy nằm trong địa hình toàn cát trắng nhưng cát nơi đây lại có màu vàng óng, các bậc cao niên chia sẻ rằng, trước đây một mỏ sắt tồn tại nơi đây rất lâu đã kiến tạo nên màu sắc của cát như vậy.
Nếu du khách leo lên đỉnh đồi cát thì phía bắc khá dựng đứng, thoai thoải về hướng tây và đông nam, ta cũng có thể thấy được ngọn hải đăng và bóng dáng của biển Cửa Việt bao la thấp thoáng ở xa xa. Chiều tà, đồi cát sau một ngày phơi mình ra nắng khét giờ nằm yên cho ngọn gió thổi từ biển vào mơn man, mát rượi. Những đêm trăng thanh, mọi người cũng thường xuyên lên đây để ngắm trăng trò chuyện. Chính những yếu tố này mà những khi trời dịu, nơi đây lại trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức cắm trại hay ngủ qua đêm.
Mặc dù được ví như “tiểu sa mạc” nhưng sa mạc này không hề khô cằn như cách gọi mà vẫn giữ được một độ ẩm nhất định. Cây cối ở đây vẫn thuộc vào dạng xanh tươi trù phú. Dưới chân đồi cát, những hàng cây phi lao và tràm đủ kích cỡ được bà con cẩn thận trồng xung quanh để tránh nạn cát bay, cát “nhảy” vào làng. Bên cạnh đó, các ngầm nước cổ từ xa xưa phía chân đồi cũng giúp các rừng cây bên đồi cát hấp thụ những nguồn nước quý giá vào mùa hè khô ráp gió Lào. Ngoài ra, khu vực này còn có những bãi đá quặng với đủ hình dáng trải dài tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp với những gam màu nóng lạnh hài hòa.
Về đồi cát chúng ta không chỉ mê đắm trong cảnh sắc thiên nhiên trù phú, độc đáo mà chính ở nơi đây chúng ta còn biết thêm được những câu chuyện lịch sử về những năm tháng hào hùng của dân tộc trong các cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương. Nhờ bức tường thành vững chãi ấy mà bước tiến của quân xâm lược đã bị cản ngăn, vùng rú cây xanh này là nơi trú ẩn cho đồng bào, chiến sỹ cách mạng thời chiến. Biết bao người con ưu tú của quê hương đã hiến dâng máu và tuổi xuân của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay.
Đối với người dân địa phương, đồi cát vàng Nhĩ Hạ chính là biểu tượng của quê hương được bà con ưu ái quảng bá mỗi khi có bạn bè khác xứ đến thăm chơi. Nhiều người khi đã một lần đặt chân đến đều trầm trồ trước vẻ đẹp hoang sơ nơi đây không thua kém gì các đồi cát vàng ở Mũi Né - Bình Thuận, Nam Cương - Ninh Thuận… Có thể nói, đồi cát vàng Nhĩ Hạ tựa như một bức tranh thủy mặc trữ tình, hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách bốn phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận