Hiện trường vụ việc hai tên cướp tháo chạy tông chết người trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú, TP HCM hôm 19/2
“Nếu kẻ cướp giật không đụng vào em của tôi thì chúng cũng có thể sẽ đụng vào người khác… rất là nguy hiểm đối với người tham gia giao thông. Mong rằng sau này không còn nạn nhân nào bị kẻ cướp giật tông xe như em tôi nữa”.
Đó là chia sẻ của anh Đoàn Văn Sơn, anh vợ của nạn nhânTrần Văn Trí - người tử vong khi bị 2 tên cướp tông xe trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú, TP HCM hôm 19/2.
Đọc những dòng chia sẻ này, là một công dân thành phố, quả thực tôi cảm thấy rất đau xót và ám ảnh. Một người lương thiện, hiền lành như anh Trí vì sao lại phải chịu cảnh oái oăm này?
Hai năm nay, từ tỉnh Thừa Thiên - Huế, hai vợ chồng anh Trí vào TP HCM thuê nhà trọ và mưu sinh bằng nghề cắt vải, sản xuất quần áo. Hôm xảy ra vụ việc, anh Trí đang trên đường đi qua nhà người bạn thì gặp nạn. Tai nạn đã cướp đi người chồng, người cha của bé gái mới 5 tuổi! Một cái chết thật tức tưởi.
Nói như lời anh Sơn, nếu 2 tên cướp kia không đụng vào anh Trí thì cũng sẽ đụng vào người khác… và hậu quả đều là khó lường, đều thảm thương. Vì thế, mong ước của anh Sơn cũng là mong ước của hàng triệu người dân Sài Gòn, bởi mỗi ngày họ ra đường đều nơm nớp lo sợ bị cuớp.
Còn nhớ đầu năm 2016, khi một du khách người Ai Cập bị giật túi xách trên địa bàn phường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Lúc đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, từ lãnh đạo Sở Du lịch thành phố cho đến Trưởng Công an phường Phạm Ngũ Lão đã phải đến xin lỗi du khách này.
Nạn cướp giật sau đó có phần tạm lắng xuống khi các địa phương vào cuộc, lắp nhiều camera tại các tuyến đường. Phong trào “hiệp sĩ đường phố” cũng rộ lên. Nhiều đối tượng cướp giật manh động trên đường phố nhanh chóng bị trấn áp. Thành phố tạm yên ắng một thời gian.
Bẵng đi vài năm, đến nay nạn cuớp giật trên đường phố tiếp tục hoành hành. Sau các vụ cướp, công an đều vào cuộc và nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Đó là một điều đáng ghi nhận. Nhưng, điều người dân cần là làm sao phải ngăn chặn nạn cướp giật từ gốc, để những đối tượng cướp giật không còn đất sống.
Người dân TP HCM từ nhỏ đến lớn ai cũng có một thói quen và hay nhắc nhở nhau, nhắc nhở những người thân, khách du lịch từ các địa phương khác đến là không được đeo dây chuyền, mang túi xách, cầm điện thoại…mỗi khi ra đường. Bởi, những tài sản này có thể bị cuớp giật bất cứ ở đâu và hậu quả không chỉ mất tài sản, mà có thể mất mạng như chơi.
Công an TP HCM đã từng nổi danh khi phá hàng loạt vụ án lớn của các băng nhóm xã hội đen. Thế nhưng, với những tên cướp “cỏ”, “tép riu” ngoài đường phố này thì dường như câu chuyện lại rất khác. Sợ bị cướp khi ra đường đã và đang là nỗi ám ảnh của hàng triệu người dân thành phố cũng như khách du lịch.
Muốn xây dựng một thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, một thành phố “đáng sống”, trước hết hãy từ những việc thực tế là thành phố không có cướp giật. Nhiều địa phương khác đã làm được nhưng sao tại “Hòn ngọc Viễn Đông” lại khó khăn đến vậy?
Tại một hội nghị tổng kết công tác phòng chống tội phạm được tổ chức vào cuối năm 2020, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ, 40 năm trước, bản thân ông cũng là chiến sĩ công an trẻ và đầy tự hào với nhiệm vụ: “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của dân làm lẽ sống của riêng mình”. Ông cho hay, cảm giác tự hào vẫn duy trì cho đến hôm nay vì nhiệm vụ mà không phải ai cũng có cơ hội làm được.
Theo ông Nên, xã hội ngày càng phát triển thì yêu cầu chất lượng sống của người dân cũng nâng cao. Tiêu chí đầu tiên cho một nơi đáng sống là bình yên và an toàn. TP HCM đang ra sức xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình thì nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên là phải quyết tâm phấn đấu vì thành phố bình yên, an toàn.
Quả thực, đó cũng chính là mong mỏi của tất cả các công dân đang sinh sống, của du khách đến thành phố. Tất cả đều hy vọng một ngày không xa, sẽ chẳng ai còn phải ngán ngẩm thốt lên: “Dẹp nạn cướp giật ở Sài Gòn, khó thế sao?”
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận