Kinh tế

Đi ăn nhà hàng bị thu 10% thuế GTGT, đúng hay sai?

15/01/2018, 06:49

Đối với tất cả các hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được tính ngay trong giá...

15

Cho dù khách hàng có muốn lấy hóa đơn hay không thì vẫn phải thanh toán 10% VAT - Ảnh: Tạ Tôn

Cửa hàng thu thêm 10% VAT đúng hay sai?

Theo phản ánh của người tiêu dùng, thời gian qua, nhiều nhà hàng, quán ăn, spa… bỗng dưng cộng 10% VAT mỗi lần khách hàng thanh toán tiền. Cho dù khách hàng có muốn lấy hóa đơn hay không thì vẫn phải thanh toán 10% VAT.

Chị Nguyễn Thị Linh, nhà ở Q. 1 (TP.HCM) cho biết, tại chuỗi spa Hoa Bằng Lăng tại TP.HCM gần một năm nay bất ngờ yêu cầu khách hàng phải cộng thêm 10% thuế VAT dù có lấy hoá đơn hay không. Khi hỏi vì sao lâu nay không tính mà nay lại tính, chủ tiệm spa cho rằng đó là do… yêu cầu bắt buộc của bên thuế. Nếu không thu 10% VAT thuế của khách hàng thì spa sẽ bị phạt.

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Hằng nhà ở quận Gò Vấp cho hay, nhóm bạn hay ăn đồ Nhật tại một nhà hàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1. Khi thanh toán tiền đều bị tính thêm 10% VAT dù có muốn lấy hoá đơn hay không thì việc thu 10% VAT như vậy là đúng hay sai? Tại sao trước đây không thu thì nay spa kia lại thu?

Ngoài ra, cũng có ý kiến thắc mắc tại sao khi trẻ con tới nhà hàng ăn vẫn chịu thuế? Một đại diện cơ quan thuế lý giải: “Không có quy định nào bảo trẻ em đi ăn uống miễn thuế 10% cả. Thuế GTGT không loại trừ bất cứ ai”.

Ngay tại diễn đàn Quốc hội, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của Chính phủ thì: Bán hàng trên 200 nghìn đồng bắt buộc phải xuất hóa đơn. Nếu bán hàng dưới 200 nghìn đồng mà người mua yêu cầu thì người bán cũng phải xuất hóa đơn. Nếu người bán hàng không xuất hóa đơn hoặc thu thêm 10% thuế là người bán hàng vi phạm quy định. Nghĩa là dù khách hàng có lấy hoá đơn hay không, người bán hàng cuối ngày vẫn phải xuất hoá đơn để nộp cho cơ quan thuế. Và 10% VAT đó là do khách hàng mua sản phẩm trả người bán có trách nhiệm kê khai thuế.

Lấy hóa đơn là quyền lợi của khách hàng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đàm Quý Dân, nguyên chuyên viên Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho hay, khi đi siêu thị, hay mua bất cứ hàng hoá nào trong tiêu dùng như: Điện thoại, lò vi sóng, tivi, tủ lạnh… nghiễm nhiên giá của sản phẩm đó đã bao gồm 10% VAT. Phiếu thanh toán tiền mà quầy thanh toán đưa cho khách hàng cũng là một dạng hoá đơn. “Trong trường hợp này, nếu siêu thị, cửa hàng yêu cầu khách hàng phải trả thêm 10% mới được lấy hoá đơn là sai”, ông Dân khẳng định.

Riêng đối với nhà hàng quán xá… ông Dân cho biết, sản phẩm là món ăn. Vì vậy, để kiểm soát đầu ra của sản phẩm tránh thất thu thuế, cơ quan thuế sẽ dùng hình thức thuế khoán và cả hoá đơn bán lẻ. “Cơ quan thuế sẽ tính toán tổng số lượng bàn, diện tích và lưu lượng khách để đưa ra một con số khoán thu thuế hàng tháng; tránh trường hợp nhà hàng bán 100 khách/ngày nhưng xuất hoá đơn chỉ 10 khách/ngày mà thôi. Với cách thức này, cơ quan thuế không cần biết nhà hàng có xuất hoá đơn cho khách lẻ nhiều hay ít nhưng mỗi tháng phải đóng thuế cho cơ quan thuế đúng với thuế khoán. Dù khách hàng đi ăn có lấy hoá đơn hay không, nhà hàng vẫn phải xuất hoá đơn… Nghĩa là thực đơn mà khách ăn hôm đó sẽ bao gồm 10% VAT”, ông Dân lý giải.

Vấn đề đặt ra, nếu thuế khoán trên doanh thu của một nhà hàng là 1 tỷ đồng/tháng nhưng thực tế nguồn thu là 1,5 tỷ đồng thì 500 triệu đồng kia sẽ thất thu thuế? Ông Dân cho hay, trong việc quản lý thuế của dịch vụ ăn uống, nhà hàng bao giờ cũng phức tạp nhất. Để kiểm soát chặt chẽ, và tính sát với việc kinh doanh của doanh nghiệp, cơ quan thuế ngoài áp dụng thuế khoán với các nhà hàng này, mà còn áp dụng thuế khoán xuống cho các quận, huyện. “Trên quận/huyện sẽ phân chia thuế khoán đến các phường/xã. Từ đó, địa phương tự biết cách để siết và quản lý chặt chẽ hơn kinh doanh trên địa bàn, giúp cho việc thu thuế chính xác hơn, hạn chế tối đa việc thất thu thuế”, ông Dân nói.

Theo ông Dân, bất kỳ trường hợp nào dù đi ăn, uống cà phê hay mua sắm, khách hàng có thể yêu cầu lấy hoá đơn bán lẻ. Trên hóa đơn này cũng thể hiện 10% thuế GTGT. 10% đó chính là khách hàng đã đóng thuế cho Nhà nước, lấy hoá đơn là quyền lợi của khách hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.