Cảnh người như nêm ở đền ông Hoàng Mười, Nghệ An trưa 17/2
Đi lễ chùa đầu năm cầu an, cầu may đã trở thành yếu tố tâm linh gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của người Việt.
Tuy nhiên, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi người không thể chỉ lo cầu an, cầu may cho riêng bản thân và gia đình mình mà gạt bỏ đi trách nhiệm với xã hội.
Người dân cần có trách nhiệm bảo vệ chính mình và cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Theo bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 lúc 18h ngày 18/2 (mùng 7 Tết Tân Sửu) thì 12 giờ qua, Việt Nam có thêm 18 ca mắc mới.
Tính đến nay, Việt Nam có tổng cộng 1.448 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 755 ca - một con số rất đáng lo ngại.
Để tránh việc tụ tập đông người dễ trở thành nguồn lây lan dịch bệnh cho nhiều người, trước đó Hà Nội - trung tâm đầu não về chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước và nhiều tỉnh thành khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh… đã quyết định tạm thời đóng cửa các điểm di tích, đền, đình, chùa.
Một loạt lễ hội lớn như khai hội chùa Hương, khai hội chùa Bái Đính, khai hội xuân Yên Tử, lễ hội Gióng, khai ấn đền Trần và khai hội chùa Tam Chúc… được cơ quan chức năng tuyên bố hủy tổ chức, hoặc không tổ chức khai hội để tập trung phòng, chống dịch.
Thế nhưng, ở Hà Nội - nơi dịch vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp với hơn 35 ca lây nhiễm trong 10 ngày qua vẫn có không ít người bất chấp, xếp hàng ken nhau trước cửa chùa, đền để vái vọng. Trong số đó, có nhiều người mang khẩu trang chưa đúng quy định, chưa giữ khoảng cách an toàn… gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Chưa kể, những người này dâng hương, bày lễ ngay trước cửa chùa, đền rất phản cảm, gây mất mỹ quan chốn linh thiêng.
Với những tỉnh chưa có dịch thì hoạt động du xuân, cầu an ở các chùa, đền, đặc biệt là những chùa, đền tư nhân diễn ra rầm rộ hơn rất nhiều. Điển hình như chùa Tam Chúc ở Hà Nam.
Mặc dù ngành chức năng đã tuyên bố không tổ chức khai hội nhưng những ngày đầu năm mới 2021, vẫn có hàng trăm lượt du khách thập phương về đây vãn cảnh cầu an mỗi ngày.
Vẫn biết Hà Nam chưa có ca nhiễm mới nhưng người thập phương đổ về, lại không có ban chỉ đạo, ban tổ chức giám sát việc đeo khẩu trang, giữ vệ sinh và khoảng cách an toàn thì nguy cơ lây lan mầm bệnh từ những điểm đông người là khó tránh khỏi.
Tương tự, chùa Hương Tích (ở Hà Tĩnh), đền ông Hoàng Mười (ở Nghệ An) cũng tấp nập người khắp nơi đổ về xin lộc đầu năm. Trong số đó, có rất rất nhiều người không đeo khẩu trang, đeo khẩu trang không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn.
Dường như, với người dân nơi đây, dịch đang ở mãi tận Hải Dương, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh… Nhiều người vẫn tặc lưỡi “chắc dịch không đến nơi mình”.
Cần phải nhắc lại, dịch bệnh lần này mang chủng biến thể mới ở Anh nên diễn biến phức tạp và khó lường về tốc độ và mức độ lây lan.
Trong khi đó, những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lượng người di chuyển giữa các tỉnh có nguy cơ mang theo mầm bệnh là rất lớn.
Và chúng ta vẫn chưa quên bài học nhãn tiền về 2 “ổ phát tán” Covid-19 từ nhà thờ Hồi giáo ở Malaysia và Tân Thiên Địa ở Hàn Quốc hồi tháng 3/2020.
Những người theo đạo Phật đều biết câu “Phật tại tâm”, “thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Vì vậy, thay vì chen chúc nhau tới chùa, đền thì lúc này hãy hạn chế ra ngoài.
Nếu cần thiết ra khỏi nhà hãy thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế đó là đeo khẩu trang, khử khuẩn tay, không tụ tập, giữ khoảng cách và khai báo y tế…
Cùng với đó, những người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các địa phương không thể chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch dù nơi mình chưa có ca lây nhiễm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận