Phê duyệt dự án chồng lên di chỉ hàng nghìn năm
Vườn Chuối là tên gọi của một di chỉ nằm trong một phức hợp các di tích khảo cổ học tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức có niên đại đặc biệt với TP Hà Nội, đánh dấu sự có mặt của con người trên địa bàn Hà Nội ít nhất cũng từ 3.500 - 2.000 năm cách ngày nay.
Phức hợp di chỉ này có niên đại từ giai đoạn muộn của văn hóa Phùng Nguyên, cho tới Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn và sau Đông Sơn. Phức hợp gồm các di chỉ: Gò Mỏ Phượng, Gò Dền Rắn, Gò Chùa Gio, Gò Chiền Vậy và Gò Vườn Chuối. Trong đó, Gò Vườn Chuối là di chỉ khảo cổ học quan trọng nhất.
Địa điểm Vườn chuối đã được phát hiện đầu tiên vào năm 1969 và cho tới nay di chỉ Vườn Chuối đã trải qua tám đợt khai quật, đó là các cuộc khai quật trong các năm: 1969, 12/2001, 12/2009, tháng 6 – 7/2011, tháng 12/2011, tháng 12/2012, tháng 12/2013 và mới nhất gần đây là tháng 12/2014.
Dù được phát hiện từ năm 1969 và được nhiều nhà khoa học đánh giá có giá trị lịch sử và văn hóa qua nhiều lần khai quật, nhưng không hiểu sao ngày 28/2/2008, UBND tỉnh Hà Tây (nay nhập vào Hà Nội) lại ban hành Quyết định số 410/QĐ-UBND cho phép Tổng công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng (Vietracimex) đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, chồng lên di chỉ Vườn Chuối.
Đứng trước sự việc đó, năm 2009, Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn có đơn gửi cơ quan chức năng nói về ý nghĩa của di chỉ này và đề nghị được bảo tồn song không có hồi âm.
Tiếp đến, ngày 2/7/2013, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4077/QĐ-UBND phê duyệt chuẩn bị thực hiện đầu tư dự án đường Vành đai 3,5 đoạn đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32. Dự án này cũng nằm vào khu vực di chỉ Vườn Chuối.
Khi bàn về nội dung này, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hoài Đức – Đỗ Văn Thúy cũng băn khoăn, tại sao khi quy hoạch các dự án nói trên lại không xin ý kiến của ngành văn hóa.
“Công trình đường Vành đai 3,5 đoạn đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32 cũng đi qua di chỉ Vườn Chuối, vậy thì tại sao khi các vị phê duyệt lại không xin ý kiến của Sở Văn hóa và các ngành khác về chuyện này”, ông Thúy cho hay.
Đau xót nhìn di chỉ thời dựng nước bị xâm hại
Ngày 22/10/2019, các nhà khảo cổ có báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khu vực này, nêu bật giá trị xứng đáng di sản quốc gia thậm chí hơn thế.
Tuy nhiên, khu vực gò Mỏ Phượng, Dền Rắn vẫn bị san ủi làm đường nội bộ trong khu dự án đô thị. Theo đó, khoảng 90% khu vực Mỏ Phượng và hơn 50% Dền Rắn bị phá hủy hoàn toàn, do máy ủi, máy xúc làm đường và đặt hệ thống cống ngầm.
Nhìn cảnh tượng như vậy, nhiều người dân thôn Lai Xá không khỏi đau xót cho số phận của di chỉ thời dựng nước. Ông Nguyễn Văn Thắng (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) bức xúc: “Không hiểu tại sao một di chỉ với nhiều cổ vật điển hình cho nhiều thời kỳ văn hóa như vậy lại không được quan tâm đúng mức. Để máy ủi, máy xúc xới tung những cổ vật lên. Nếu không có biện pháp kịp thời tôi tin rằng chỉ vài tháng nữa thì tất cả bị chôn vùi”.
Xuống tận nơi khảo sát và tận thấy quá trình san ủi làm đường tại Mỏ Phượng và Dền Rắn, PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ (người phụ trách công trường khai quật di chỉ Vườn Chuối) không khỏi lo lắng.
“Chúng tôi đề xuất khu Mỏ Phượng và Dền Rắn khi thi công phải có giám sát của cán bộ chuyên môn. Chúng tôi có 25 hố thăm dò ở hai khu vực này với tổng diện tích 200m2, chưa bàn giao mặt bằng mà đơn vị này đã thi công đường, đặt cống ngầm như thế là vi phạm các văn bản của thành phố, Luật Di sản văn hóa. Giấy phép khai quật cho phép khai quật hết tháng 11”, PGS. TS. Bùi Văn Liêm nói.
Đứng trước sự việc này, ngày 12/11/2019, Sở Văn hoá, thể thao và du lịch TP Hà Nội đã ban hành văn bản 4220/SVHTT-QLDT gửi UBND TP Hà Nội.
Theo đó, Sở Văn hoá, thể thao và du lịch TP Hà Nội sẽ phối hợp với viện Khảo cổ học có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức có ý kiến về việc đưa nửa phía Đông di chỉ (Bảo tồn 6.000m2) vào khu vực bảo vệ di chỉ Khảo cổ, là cơ sở triển khai các công việc tiếp theo của việc đưa di chỉ vào danh mục kiểm kê di sản của TP Hà Nội.
Sở Văn hoá, thể thao và du lịch TP Hà Nội cũng đề nghị UBND TP Hà Nội có văn bản đề nghị gửi Tổng công ty Cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex về việc bảo vệ di chỉ khảo cổ Vườn Chuối theo pháp luật về di sản văn hóa và nội dung tại các văn bản có liên quan (văn bản số 3782/UBND-KGX ngày 20/8/2018; văn bản số 4390/SVHTTDL-QLDT ngày 02/11/2018).
Tuy nhiên, hiện nay tại những nơi được khai quật lộ thiên ở di chỉ Vườn Chuối chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan không có động thái nào bảo vệ những vị trí này. Hoạt động xây dựng dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch và đường 3.5 vẫn tiếp tục diễn ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận