Chuyện dọc đường

Đi lễ chùa đầu năm

26/01/2023, 14:07

Đến cửa chùa mà tâm không lành, ý không thiện, không thể hiện lòng tôn kính thì cuối cùng cũng chẳng để làm gì...

Đi lễ đầu năm là một thói quen, là nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh, ăn sâu trong tiềm thức của người Việt từ bao đời nay.

img

Mỗi người đi lễ chùa đầu xuân đều mong tìm được sự an yên, thư thái, để nghiệm ra những nhân- quả thông qua giáo lý nhà Phật. Ảnh minh họa

Trong suy nghĩ của nhiều người, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình, mà còn để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết những điều cần thiết khi đến chùa. Nhiều người đi chùa thường truyền miệng nhau cần làm gì, cúng bái như thế nào rồi bắt chước mà không biết được rằng những việc đó là không cần thiết, thậm chí còn phạm vào giới luật của đạo Phật.

Vài năm trở lại đây, có những ngôi chùa hoành tráng được xây dựng và mỗi dịp đầu xuân, nhiều người lại nô nức kéo đến. Năm nay cũng thế, do lượng người đổ về quá đông, cảnh tượng bát nháo đã lại xảy ra ở chùa Tam Chúc, Hà Nam. Do có hàng chục nghìn người đổ về cùng lúc, nên tại 10 điểm bán vé dịch vụ luôn chật kín người chờ đợi.

Nhiều người tỏ ra mệt mỏi và cũng không khỏi băn khoăn bởi thực tế khác xa họ nghĩ khi đặt chân tới một ngôi chùa: liệu mình đang đi lễ chùa đầu năm hay tới một khu du lịch giải trí? Rốt cuộc đi lễ chùa là để tìm sự an yên trong tâm hồn hay là một chuyến đi hành xác?

Với những người am hiểu đôi chút về Phật học, ai cũng biết rằng, chùa là nơi thờ Phật, vừa là nơi linh thiêng vừa là nơi truyền bá tư tưởng từ bi hỉ xả của Đức Phật. Đức Phật không ban phúc, giáng họa cho bất kỳ ai, nhưng tư tưởng của Đức Phật có thể giúp con người vượt qua mọi khổ đau chấp trước, để từ đó sống tốt hơn, hạnh phúc hơn. Làm điều lành, tránh điều ác, luôn giữ tâm ý trong sạch trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đó là những điều người đi lễ chùa cần ghi nhớ và thực hành, theo tinh thần nhà Phật.

Vậy nhưng thực tế không phải ai cũng hiểu được điều đó. Nhiều người tâm không thành, chỉ mong cầu tham - sân - si, trong cuộc sống lại không biết trân trọng tình thân, hành xử thiếu nguyên tắc, sống không có đạo lý, thì ai có thể giúp được? Nếu lười lao động mà suốt ngày cầu mong mình giàu có thì ai có thể giúp được? Nếu làm điều ác, thì sao có thể cầu an?... Nói cách khác, mọi câu chuyện trong cuộc sống của con người đều do nhân- quả.

Đến cửa chùa mà tâm không lành, ý không thiện, không thể hiện lòng tôn kính thì cuối cùng cũng chẳng để làm gì.

Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì: “Ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người. Vậy mà chúng ta đã bỏ quên những ngôi đền, ngôi chùa thiêng nhất ấy. Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông… lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cùng vẫn thấy bất hạnh”.

Một mùa lễ hội nữa đã lại về, mong rằng mỗi người đi lễ chùa đầu xuân đều có thể tìm được sự an yên, thư thái, để nghiệm ra những nhân- quả thông qua giáo lý nhà Phật, dạy lại cho con cháu sống tốt hơn, hướng thiện hơn. Tránh những điều không nên làm, vì vừa không thực hành theo đúng giáo lý nhà Phật, vừa vô tình tiếp tay cho những người lợi dụng tâm linh để kinh doanh, buôn bán.

TS Phạm Quang Long (Phó chủ tịch Hiệp hội khoa học Hành chính Việt Nam)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.