Không sợ tàu bay gặp sự cố, cũng chả sợ mệt mỏi, chị Hương, một giảng viên đại học sợ nhất phải đi cùng những hành khách vô ý.
Có khi chính họ cũng không biết mình đang trở nên kỳ dị trong con mắt mọi người, chị Hương nhận xét. Hay phải đi nước ngoài trên những chuyến bay kéo dài mười mấy tiếng, không ít lần tôi cảm thấy như bị tra tấn, chị kể.
Có chuyến tôi phải xin tiếp viên hàng không cho đổi chỗ bởi ngồi cạnh một vị khách thích bỏ chân... ra ngoài giày. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu vì chuyến bay rất dài, ai cũng cần được thoải mái nhưng có điều, chân vị khách tỏa ra một mùi vô cùng kinh khủng. Tôi đã nói khéo nhưng ông khách vẫn vô tư, thậm chí còn co chân lên nhịp nhịp rung cả ghế trước khiến cô bé ngồi trên một hàng ghế nhăn nhó khổ sở.
Lần khác, còn tệ hơn, người ngồi kế bên tôi cứ thao thao bắt chuyện. Khi thấy tôi quá mỏi mệt và xin phép chợp mắt, anh ta bèn đeo tai nghe và ư ử hát theo. Lúc đầu còn nhỏ, sau cứ to dần. Người khách ngồi gần đấy gọi tiếp viên đến yêu cầu nhắc anh ta giữ trật tự thì bị anh này quắc mắc lên nạt: “Ông tưởng ông là to à? Không thích thì đi chỗ khác”. Rất may tiếp viên đã can thiệp kịp thời nếu không đã có xô xát.
Trong một chuyến bay mười mấy tiếng đi Pháp, sáng vào nhà vệ sinh đánh răng rửa mặt, tôi choáng váng khi thấy giấy vệ sinh dính bẩn giúi cả vào chỗ để giấy sạch. Lọ kem dưỡng thể và xà phòng không thấy đâu. Tôi vội xúc miệng quấy quá rồi bỏ ra ngoài nhắc tiếp viên vào dọn lại vệ sinh. Khi quay về chỗ ngồi thì thấy lọ kem nằm chềnh ềnh trên ghế của một vị khách. Hóa ra mọi người thản nhiên mang về chỗ sử dụng rồi vứt luôn ở ghế, kệ những người vào sau không có cái dùng.
“Người quá vô tâm, vô ý khi đi máy bay gây rất nhiều phiền nhiễu cho người khác. Tiếc là văn hóa đi lại trên tàu bay không phải ai cũng biết”, chị Hương tâm sự. Vậy nên, mỗi khi bắt đầu một chuyến công tác nước ngoài, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là hy vọng có một chuyến bay suôn sẻ, chị nói.
P.Thanh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận