Làm báo cùng Giao thông

Đi mua bình chữa cháy… không nổ (!)

09/01/2016, 08:24

Chuyện ghi ở một cửa hàng bán thiết bị phòng cháy, chữa cháy sau khi quy định xử phạt ôtô thiếu bình chữa cháy...

19
Các bình xịt loại 500ml được nhiều người chọn mua nhất vì nhỏ gọn dễ cất giữ - Ảnh Nguyễn Khánh

Chuyện ghi ở một cửa hàng bán thiết bị phòng cháy, chữa cháy 2 ngày sau khi quy định xử phạt ô tô thiếu bình chữa cháy có hiệu lực. Khách nháo nhác hỏi mua bình dưới 5 lít để lắp trên xe. Ôi giời tem mác đủ loại, giá cả tăng gấp đôi, nhưng 200 hay 400 nghìn đồng cũng chả mấy khách băn khoăn. “So với một cái ô tô tỷ bạc thì vài trăm nghìn mua bình chữa cháy ăn thua gì”, cậu bán hàng liên tục nói câu đó với khách.

Mà câu nói hiệu nghiệm thật, chả thấy ai thắc mắc giá cả, chất lượng. Tuốt tuột chỉ hỏi câu: Bình này có nổ không đấy?

- Ô bác nói thế nào, hàng em có tem, nhãn, có kiểm định, nổ là nổ thế nào?

- Nhưng có vụ khách mua bình chữa cháy ở siêu thị, lắp lên xe nổ bùm một cái tan hết cả nội thất, báo đăng đầy đấy thôi, may mà không chết người.

-  À cái đấy thì có giời biết, nổ xong còn phải đi giám định xem nguyên nhân do bình hay do xe nóng quá, xóc lắc nhiều quá, chứ cứ đổ cho bình thì oan quá các bác ạ.

- Thế chú khuyên anh nên để bình ở đâu?

- Bác để chỗ nào dễ lấy lại mát mát là được ạ.

- Thế cửa hàng có bán hộp bảo ôn không, tôi mua để đựng bình chữa cháy.

Trong lúc mọi người cười ồ, một người khách trung niên, nãy giờ chả hỏi câu gì, lẳng lặng trả lại chiếc bình vào kệ hàng rồi thủng thẳng: “Các ông hỏi làm gì nhiều, một là mua rồi xịt hết bọt ra gắn vào trong xe qua mặt CSGT. Hai là để ở hàng ghế sau hoặc mua cái bình bảo ôn để vào. Chứ để dưới hay cạnh ghế lái, nổ cái là chết, chả cứu được”.

Chém gió là vậy, nhưng khá nhiều người mua bình, rồi cẩn thận chọn chỗ lắp trên xe. Ngẩn ngơ nhìn cảnh đó, người viết bài này tự hỏi, công dụng của cái bình chữa cháy là gì? Để chữa cháy, để tránh bị phạt 300 - 500 nghìn đồng theo thông tư Bộ Công an mới quy định hay mua rồi chỉ mong nó không nổ?

Nếu người tiêu dùng cố tình mua MBH rởm, tai nạn vỡ đầu, chết, luật pháp không ai bảo vệ. Nhưng người tiêu dùng mua bình chữa cháytem kiểm định lắp trên ô tô, khi bình nổ, chết người, hỏng xe, ai bảo vệ họ?

Tra cứu nhanh tại cửa hàng bán bình chữa cháy, tôi thấy trên website của cơ quan phòng cháy, chữa cháy chỉ toàn đăng nội dung thông tư, phỏng vấn lãnh đạo Bộ Công an về mức phạt. Không hề có hướng dẫn mua bình thế nào là đúng, hình dáng tem kiểm định ra sao, cũng như không thấy ai đó nói lắp bình chữa cháy trên xe có nguy hiểm hay không, nếu nổ bình thì ai chịu trách nhiệm?

Truyền thông chính sách chưa thỏa đáng mà muốn người dân thượng tôn pháp luật e rằng khó. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.