Người điều khiển phương tiện khi đi qua đường ngang phòng vệ bằng biển báo phải dừng lại quan sát từ hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện giao thông đường sắt tới đường ngang mới được đi qua |
Sau nhiều vụ TNGT đường sắt xảy ra tại khu vực các đường ngang, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản gần đây, người tham gia giao thông đặc biệt quan tâm đến những quy định về tổ chức giao thông, cũng như hướng dẫn cách thức an toàn khi lưu thông qua khu vực đường ngang.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 25/2018 quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.
Theo Thông tư này, có 3 loại hình đường ngang gồm: đường ngang có người gác, đường ngang tổ chức phòng vệ bằng cảnh báo tự động và đường ngang tổ chức phòng vệ bằng biển báo.
Thông tư 25 cũng quy định rõ quy tắc giao thông trong khu vực đường ngang. Đối với giao thông đường bộ trong phạm vi đường ngang, người tham gia gia giao thông đường bộ khi qua đường ngang phải chấp hành quy định của Luật Đường sắt, Luật GTĐB, đồng thời phải thực hiện các quy định cụ thể sau: Ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt; Chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác đường ngang và chỉ dẫn của các báo hiệu trong phạm vi đường ngang.
Khi có báo hiệu dừng bằng đèn tín hiệu (đèn đỏ sáng nháy), cờ đỏ, biển đỏ, còi, chuông hoặc loa phát âm thanh kêu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, hiệu lệnh của nhân viên gác chắn, người tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đểu phải dừng lại về bên phải đường của mình và trước vạch “Dừng xe”. Nghiêm cấm người không có nhiệm vụ tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng.
Đối với đường ngang tổ chức phòng vệ bằng biến báo, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại trước vạch dừng, lắng nghe còi tàu, chú ý quan sát tàu đến từ xa ở hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện giao thông đường sắt tới đường ngang mới được đi qua và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn.
Thông tư cũng quy định, không được quay đầu xe, dừng xe, đỗ xe trong phạm vi giữa hai vạch “Dừng xe” tại đường ngang. Khi phương tiện GTĐB bị hư hỏng, bị tai nạn không thể di chuyển ngay ra khỏi phạm vi giữa hai vạch “Dừng xe” tại đường ngang, người điều khiển phương tiện phải tìm biện pháp để nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi này.
Trường hợp điểm gần nhất của xe hoặc của hàng hóa cách mép ngoài của ray ngoài cùng nhỏ hơn 1,75m, người điều khiển phương tiện phải tìm biện pháp để báo hiệu cho tàu dừng trước chướng ngại, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện, hàng hóa ra cách mép ngoài của ray ngoài cùng tối thiểu 1,75m.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận