Tối 18/10, tên của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell được điền vào danh sách những người tử vong vì đại dịch Covid-19.
Tất cả những tờ báo lớn ở Mỹ và quốc tế đều đăng tải thông tin về sự ra đi của ông, nhắc nhớ lại những dấu ấn trong cuộc đời, sự nghiệp của vị Ngoại trưởng gốc da màu đầu tiên tại Mỹ.
Đài NPR (Mỹ) có bài viết với tựa đề: “Di sản của Colin Powell qua 2 cuộc chiến”, trong đó gợi lại những ký ức ám ảnh nhưng là kinh nghiệm quý báu với Powell sau Chiến tranh Việt Nam.
Ông Colin Powell (thứ 2 từ trái sang) ở cương vị Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ảnh: Alex Wong/Getty Images
Nhân vật đáng gờm
Trong cuộc chiến đầu tiên tại Iraq năm 1991, Colin Powell nổi tiếng với phát ngôn sẽ đánh bật Iraq khỏi Kuwait khi Tổng thống Saddam Hussein điều quân tiến đánh nước láng giềng.
Phát biểu tại Lầu Năm Góc, ông Colin Powell lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã trình bày chiến lược tấn công quân đội Iraq với thái độ dứt khoát và sắc lạnh: “Chúng tôi sẽ loại bỏ và tiêu diệt quân đội Iraq”.
Sau đó, với sự tham gia của lực lượng quốc tế, Mỹ đã dẫn đầu thực hiện hàng loạt cuộc không kích và can thiệp của bộ binh. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, quân đội Iraq đã bị đánh bại. Từ đây, ông Colin Powell trở thành một trong những nhân vật đáng gờm và được công chúng ngưỡng mộ.
Nhưng một thập kỷ sau, cũng liên quan tới Iraq, hình ảnh của Powell phần nào bị lu mờ khi ông xuất hiện trước Liên Hợp Quốc, chỉ vào màn hình lớn trình chiếu hình ảnh vệ tinh, bản vẽ mô tả các căn cứ quân sự bí mật, phòng thí nghiệm di động, xe tải, toa tàu... cáo buộc lãnh đạo Iraq Saddam Hussein là mối đe dọa nghiêm trọng nhất, sở hữu vũ khí hóa học, sinh học và có thể cả vũ khí hạt nhân.
Powell mạnh mẽ tuyên bố, không thể để Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt trong suốt hàng tháng và hàng năm trong thế giới hậu khủng bố 11/9.
“Đây là một trong những phần tranh luận nổi bật nhất của Powell tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về quan điểm ủng hộ chiến tranh Iraq. Nhưng sau đó, ông Powell đã bẽ bàng vì thực chất những bằng chứng đó chỉ dựa trên thông tin tình báo sai lệch”.
Nhiều năm sau, Powell liên tục bị truy vấn về bài phát biểu trên, có thời điểm và cả về sau này, phát ngôn đó đã trở thành “vết nhơ” trong di sản của ông.
Năm 2011, trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Steve Inskeep của Đài NPR, Powell thừa nhận: “Trước đây, tất cả chúng tôi đều tin vào tin tình báo. Không chỉ Mỹ mà cả Vương quốc Anh và các quốc gia khác đều như vậy. Lúc đó, tôi cũng giống như nhiều người khác, đã rất thất vọng. Thực ra, tôi chỉ là người đại diện, có trách nhiệm trình bày thông tin nhưng phần lớn thông tin lại không chính xác và từ một nguồn tin không đáng tin cậy”.
Ám ảnh về chiến tranh Việt Nam
Ông Colin Powell chỉ tay vào bản đồ khi thông tin về cuộc tấn công đẩy lùi Iraq khỏi Kuwait trong cuộc họp ở Lầu Năm Góc năm 1991. Ảnh: AFP
Nếu như cuộc chiến tại Iraq giúp Powell có cái nhìn khác về tình báo thì cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, lúc Powell còn là sĩ quan trẻ, đã cho ông nhiều bài học sâu sắc, thậm chí góp phần làm nên chiến lược “Học thuyết Powell” nổi tiếng.
Colin Powell từng chia sẻ với phóng viên Chuck Springston rằng: “Thời điểm tôi rời Việt Nam năm 1969 sau 2 lần tới đất nước này, rõ ràng Mỹ đã lao vào một cuộc chiến mà chúng tôi hoàn toàn không hiểu gì. Đó không phải là cuộc chiến ý thức hệ nữa... Đó là cuộc chiến của chủ nghĩa dân tộc”.
“Lúc đó, quân và dân Việt Nam sẵn sàng mạo hiểm hy sinh vì dân tộc còn quân lực Việt Nam Cộng hòa đã mất tính hợp pháp. Vậy, trong trường hợp đó, nước Mỹ có thể làm gì?”, ông Powell nói.
Nhà phân tích Michael O’Hanlon làm việc tại Viện Brookings nhận định: “Chiến tranh Việt Nam là nỗi ám ảnh với Powell nên sau này ông luôn tìm cách để tránh lặp lại sai lầm và bi kịch tương tự”.
Nhà nghiên cứu khác là Giáo sư Pete Mansoor tại Đại học bang Ohio cho rằng: Sau khi rời khỏi Việt Nam, Powell đã rút ra bài học: “Cần phải chắc chắn hiểu tất cả những gì mình đang làm”.
Nguyên tắc này đã được Powell áp dụng trong chiến lược “Học thuyết Powell”, một trong những di sản lớn nhất của vị cựu Ngoại trưởng da màu.
“Học thuyết Powell” khẳng định Mỹ chỉ nên quyết định đi đến chiến tranh khi đây là lựa chọn cuối cùng. Cuộc chiến đó phải đáp ứng các điều kiện: Có mục tiêu và chiến lược kết thúc rõ ràng, khả thi, với năng lực quân đội mạnh và nhận được sự ủng hộ từ trong nước đến quốc tế.
Powell đúc kết, quân đội không phải là công cụ để điều chỉnh thế giới theo ý muốn của các Tổng thống Mỹ. Powell cũng là một trong những quan chức chủ chốt thời hậu chiến tranh Việt Nam xốc lại quân đội rệu rã, mất tinh thần, lạm dụng thuốc phiện, căng thẳng về phân biệt chủng tộc...
Theo Giáo sư Pete Mansoor tại Đại học bang Ohio, tuy trong học thuyết còn nhiều hạn chế gây tranh cãi về việc sử dụng sức mạnh quân sự nhưng vẫn là một phần rất quan trọng mà các quan chức Mỹ có thể học hỏi khi cần cân nhắc về an ninh quốc gia.
Ông Powell nắm giữ nhiều vị trí quan trọng
Ông Colin Powell sinh ra tại Harlem, New York ngày 5/4/1937, có cha mẹ là người Jamaica nhập cư. Ông gia nhập quân đội Mỹ từ năm 1958.
Powell được bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan chức cấp cao trong 3 đời Tổng thống là người của Đảng Cộng hòa và nằm trong hàng ngũ sĩ quan hàng đầu của quân đội Mỹ.
Ông là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan từ năm 1987 đến năm 1989; là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội dưới thời Tổng thống George H.W. Bush trong thời kỳ chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
Năm 2000, ông Powell được Tổng thống đắc cử George W. Bush đề cử làm Ngoại trưởng, đảm nhiệm vai trò này từ năm 2001 đến năm 2005.
Cựu ngoại trưởng Powell qua đời vì biến chứng Covid-19 vào ngày 18/10. Dù đã tiêm đủ 2 mũi phòng vaccine nhưng ông không thể qua khỏi vì có sẵn bệnh nền đa u tủy (một loại ung thư máu).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận