Vận tải

Đi sau Bamboo Airways, Vietstar có còn cơ hội bay?

04/12/2018, 06:09

Vietstar có còn cơ hội cất cánh khi hãng hàng không "đi sau" là Bamboo Airways đã có giấy phép trước...

1

Sân bay Tân Sơn Nhất - nơi Vietstar chọn làm sân bay căn cứ đang đối mặt với vấn đề quá tải nghiêm trọng - Ảnh: Phan Tư

Xem xét cấp Giấy phép kinh doanh của Vietstar

Trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT xem xét kiến nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, tại Công văn số 309/TB - VPCP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng và đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống.

Trước đó, tại Văn bản số 494/TTg - CN, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ủng hộ quan điểm thận trọng này, nhiều chuyên gia cho rằng, kinh doanh vận chuyển hàng không là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đặc thù, đòi hỏi các hãng hàng không phải thực sự có năng lực về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý vận hành, khai thác đội tàu bay. Trong lĩnh vực này không có chỗ cho những sai sót, đặc biệt liên quan đến an toàn.

Trao đổi với Báo Giao thông về cơ hội sở hữu Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết theo quy định mới, việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo Nghị định 92 của Chính phủ về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không chỉ được xem xét sau khi Chính phủ phê duyệt về chủ trương đầu tư dự án hàng không, tương tự như trường hợp của Bamboo Airways vừa qua.

Thực tế, trong văn bản gửi Vietstar hồi đầu tuần trước, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã nêu rõ các vấn đề này để “Vietstar triển khai theo đúng các quy định pháp luật tại Luật Đầu tư, Luật Hàng không dân dụng VN”.

2

Với tốc độ phát triển thị trường hàng không Việt Nam được IATA dự báo nhanh thứ 5 thế giới, cơ hội thành công của Vietstar vẫn rộng mở (Trong ảnh: Hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất)

Cơ hội nào cho Vietstar?

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, thời điểm này, việc cấp phép bay cho Vietstar phụ thuộc vào tiến độ xây dựng nhà ga hành khách T3 tại Tân Sơn Nhất.

Phó tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV) Đỗ Tất Bình cho biết, Bộ GTVT đang giao ACV chủ trì lập phương án tài chính đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3. “Dự kiến trong tuần tới, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ phương án đầu tư”, ông Bình nói.

Đáng lưu ý, theo ông Bình, trong trường hợp được giao, về kỹ thuật, ACV sẽ cần 3 tháng để lập báo cáo tiền khả thi (Pre-FS), đồng thời cần thêm ít nhất 3 tháng nữa để được phê duyệt. Sau đó, ACV sẽ tổ chức đấu thầu chọn Tư vấn lập báo cáo khả thi (FS) trong khoảng 3 tháng. 6 tháng sau đó sẽ là thời gian Tư vấn lập FS. Sau khi FS được phê duyệt (dự kiến khoảng 3 tháng), ACV sẽ đấu thầu thi công trong 3 tháng, tổng cộng hết 21 tháng (tính từ tháng 1/2019) mới xong thủ tục, tức là nhanh nhất tháng 9/2021 mới có thể bắt đầu khởi công dự án. “Thời gian thi công nhanh nhất 2 năm”, ông Bình thông tin thêm.

Trường hợp Vietstar được tham gia thị trường, cơ hội của hãng này không phải không có. Số liệu từ Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA cho thấy, thị trường hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới với tỷ lệ trung bình 16,6%/năm trong giai đoạn 2001-2014. IATA cũng dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không duy trì được sự phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.

Điều này đồng nghĩa với việc dư địa phát triển của thị trường hàng không nội địa còn nhiều và cơ hội thành công của Vietstar trong thị trường không phải là không có.Theo các chuyên gia, kịch bản lạc quan nhất, khi tất cả các khâu đều suôn sẻ, cũng phải năm 2022 mới xong nhà ga T3. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Vietstar sẽ phải chờ đợi thêm ít nhất 4 năm nữa để được xem xét cấp giấy phép bay.

Nếu không tính đến những khó khăn đến từ hạ tầng của sân bay căn cứ, cơ hội bay của Vietstar cũng khá “sáng sủa” bởi theo quy định tại Nghị định 118/2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, một trong các yêu cầu là dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành. Trong khi đó, Quyết định 236 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2020, số lượng tàu bay khai thác đạt trên 220 chiếc và đến năm 2030 đạt trên 400 chiếc.

Số liệu thống kê từ Cục Hàng không VN, tính đến hết tháng 9/2018, đội tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam đạt 175 chiếc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trong trường hợp hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất được giải quyết sau khi có nhà ga hành khách T3, với tốc độ phát triển đội tàu bay như hiện nay, cơ hội bay của Vietstar khá rộng mở.

Tuy nhiên, ngay cả khi Vietstar được cấp phép, chỉ với 5 tàu bay tham gia thị trường trong giai đoạn đầu theo kế hoạch, hãng này khó có thể tạo ra sự đột phá trong cơ cấu thị trường. Nhiều chuyên gia cho rằng Vietnam Airlines vẫn sẽ “thống lĩnh” ở phân khúc truyền thống, Vietjet nắm chắc phân khúc giá rẻ. Thực tế, tân binh Bamboo Airways cũng chỉ “khiêm tốn” đặt mục tiêu chiếm lĩnh 3-5% thị phần vận tải khách bằng đường hàng không.

Lý do hồ sơ Vietstar “bị mắc”

Từ đầu năm 2017, Cục Hàng không VN đã thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh hàng không của Vietstar. Theo cơ quan này, số lượng, chủng loại và tuổi tàu bay dự kiến khai thác phù hợp với quy mô, phạm vi khai thác (vốn 300 tỷ đồng, quy mô đến 10 tàu bay và khai thác nội địa), loại hình hoạt động vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa, hành lý, bưu kiện và nhu cầu thị trường. 

Các công tác chuẩn bị và hồ sơ thể hiện phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, nguồn vốn đảm bảo thuê tàu bay trong vòng 5 năm đầu hoạt động của Vietstar Air có tính khả thi. Điểm lớn nhất khiến hồ sơ của Vietstar “bị mắc lại” là do nhà đầu tư này chọn Tân Sơn Nhất vốn đang chịu rất nhiều sức ép về quá tải hạ tầng làm sân bay căn cứ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.