Bạn Nguyễn Tiến Long (Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) hỏi: Trong giờ cao điểm tôi thấy nhiều người điều khiển xe máy đã leo lên vỉa hè đi để tránh tắc đường.
"Xin hỏi việc điều khiển phương tiện giao thông đi trên vỉa hè có bị xử phạt không, mức xử phạt cụ thể cho từng phương tiện đi trên vỉa hè là như thế nào?", bạn Long đặt câu hỏi.
Trả lời nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, vỉa hè (hay còn gọi là hè phố) là phần dọc theo hai bên đường, thường được lắp gạch chuyên dùng và là phần đường dành riêng cho người đi bộ.
Như vậy, vỉa hè không phải là phần đường cho các phương tiện khác mà chỉ dành cho người đi bộ. Các phương tiện khác đi trên vỉa hè đều là hành vi vi phạm luật giao thông (trừ việc đi lên vỉa hè để vào nhà).
Luật sư Bình cho biết, theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà) sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.
Điểm g khoản 3 Điều 6 Nghị định này cũng quy định, người điều khiển xe máy đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà) bị phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng.
"Ngoài ra, người điều khiển ô tô đi trên vỉa hè còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1->3 tháng", luật sư Bình thông tin.
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, đi xe trên vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè để đỗ xe… trái quy định của pháp luật đang gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đối với người đi bộ.
"Các quy định của pháp luật không cho phép phương tiện đi lên vỉa hè trong bất cứ trường hợp nào, kể cả tắc đường. Phương tiện chỉ được phép đi qua vỉa hè để vào nhà. Chính vì thế, người tham gia giao thông không được điều khiển phương tiện đi lên vỉa hè để tránh bị lực lượng chức năng xử phạt cũng như để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị", ông Bình nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận