Ghi nhận PV Báo Giao thông, những ngày qua nhiều tài xế phản ánh, tỉnh Kon Tum có nhiều quy định riêng đối với tài xế lưu thông, trong đó không chấp nhận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh Covid-19.
Trong khi đó, việc xét nghiệm phương pháp RT-PCR phát sinh chi phí, rất tốn kém so với test nhanh (trung bình xét nhanh từ 130-230.000 đồng/lần, RT-PCR có giá hơn 700.000 đồng/lần, tùy đơn vị, địa phương), và trái với quy định của Thủ tướng.
Cụ thể từ ngày 18/7, UBND tỉnh này ban hành văn bản quy định tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa có lái xe, phụ xe thuộc đối tượng cách ly y tế (chỉ tính lái xe, phụ xe cho mỗi phương tiện vận chuyển hàng hóa) vào địa bàn tỉnh giao nhận hàng hóa phải đủ điều kiện và có giấy nhận diện (được đi vào luồng xanh) theo hướng dẫn, quy định của Bộ GTVT hoặc phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày (kể từ ngày lấy mẫu).
Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính thì khử trùng phương tiện vận tải rồi đổi lái xe, phụ xe (đảm bảo yêu cầu 5K, chú ý giữ khoảng cách tiếp xúc trên 2m) vào tỉnh giao nhận hàng hóa; hoặc giao nhận hàng hóa tại Chốt; hoặc nếu tại Chốt lấy mẫu để chuyển đi xét nghiệm (người được xét nghiệm trả phí theo giá dịch vụ), chờ khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì được vào tỉnh giao nhận hàng hóa”.
Phương tiện vận tải và xe cá nhân tại trạm kiểm soát Sao Mai (TP. Kon Tum, T. Kon Tum).
"Tổng cục vừa có văn bản gửi Kon Tum, Gia Lai... và các tỉnh thành thực hiện nhất quán theo chủ trương của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT về kiểm soát vận tải, xe luồng xanh, bãi bỏ các quy định riêng có của địa phương, không đúng quy định", Phó tổng cục trưởng Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường
Liên quan vấn đề trên, sáng nay (2/9), ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, vừa đề nghị UBND tỉnh Kon Tum tháo gỡ khó khăn cho phương tiện lưu thông thuận lợi trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ VN đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT về việc đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Việc làm này vừa giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị vận tải vừa bảo đảm tính thống nhất với các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT nhằm đảm bảo hoạt động vận tải hàng hóa được lưu thông kịp thời thông suốt.
Kon Tum chỉ chấp nhận xét nghiệm PCR
Cùng ngày (2/9), trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Hương, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh đã họp về việc này, và hiện vẫn áp dụng quy định của tỉnh. Cụ thể, xe từ vùng có dịch vào địa bàn tỉnh phải đảm bảo các điều kiện: Lái xe phải có xét nghiệm âm tính bằng PCR còn hiệu lực (trong 72h).
"Test nhanh là không cho vào tỉnh. Xe vào phải xếp dỡ hàng tại vị trí tập trung do UBND cấp huyện bố trí, gửi Sở GTVT thông báo (trường hợp các đơn vị vận tải… có nhu cầu bãi, kho riêng thì làm văn bản gửi UBND cấp huyện kiểm tra, cho phép là xong); Xe vào xếp dỡ hàng phải ra ngay, trường hợp lưu trú thì lái xe và người đi cùng phải đi cách ly tập trung, nếu không phải đổi lái xe lưu trú trên địa bàn tỉnh KonTum mới cho xe vào tỉnh", lãnh đạo Sở GTVT Kon Tum thông tin.
Cũng theo Sở GTVT tỉnh này, hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa vào tỉnh Kon Tum phải thực hiện tại các điểm giao nhận tập trung, trong khi có nhiều mặt hàng rất khó khăn trong việc giao nhận tại các bãi tập trung như xăng dầu, hàng nông sản, hàng hóa có khối lượng lớn. Sở và các huyện đã phối hợp lập danh sách các bãi tập kết hàng hoá và thường xuyên cập nhật trên hệ thống của Sở.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục QLĐB III cho biết, đơn vị giao Chi cục QLĐB III.4 (Cục QLĐB III) để theo dõi việc Kon Tum triển khai văn bản trên của Tổng cục Đường bộ VN, nếu các quy định riêng của địa phương không được dỡ bỏ, sẽ tiếp tục báo cáo lên Tổng cục Đường bộ VN và có các giải pháp phù hợp.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25/7 và Văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29/7 của Văn phòng Chính phủ, yêu cầu người trên phương tiện chở hàng hóa lưu thông phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.
Tuy nhiên, tỉnh Kon Tum có "cách làm riêng", theo Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 18/7, quy định: Tài xế điều khiển phương tiện phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Tỉnh Kon Tum không chấp nhận kết quả Test nhanh kháng nguyên trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm (Báo Giao thông có bài phản ánh)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận