Chủ nhiệm Ủy ban tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển (áo trắng đứng giữa) cùng Đoàn giám sát của Ủy ban và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nghe nhà thầu báo cáo tiến độ và những khó khăn thi công trường DA cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi |
Ngày 20/3, Đoàn Giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội do Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã đến thăm từng mũi thi công trên công trường dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Cùng đi có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và lãnh đạo 3 tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Báo cáo với Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh cho biết, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, Bộ GTVT đã chỉ đạo VEC rà soát lại các hạng mục công trình, điều chỉnh thiết kế, giảm bớt các hạng mục không cần thiết để giảm nguồn vốn đầu tư dự án (DA).
Mặc dù có sự thay đổi một số yếu tố kỹ thuật so với thiết kế cơ sở, cắt giảm một số hạng mục không cần thiết tuy nhiên do hồ sơ thiết kế cơ sở đã được lập vào năm 2010, mặt khác do biến động về đơn giá nhân công, máy, vật liệu, nên sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư của DA không giảm được nhiều.
Tổng mức đầu tư toàn DA là 34.516 tỷ đồng với vốn vay JICA là 16.799 tỷ đồng; vốn vay WB là 12.419 tỷ đồng; vốn đối ứng 5.298 tỷ đồng. Riêng vốn VEC tự huy động là 9.187 tỷ đồng (vốn IBRD của WB); 23 tỷ đồng VEC tự huy động để trả phí vay lại vốn IBRD. Phần vốn này sẽ được thu hồi hoàn vốn từ nguồn thu phí của DA.
Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh đang trình bày những tiến độ đã đạt được cùng khó khăn trong việc thiếu vốn GPMB hiện nay tại dự án |
Theo ông Mai Tuấn Anh, hiện dự án đang rất khó khăn về vốn. VEC đã báo cáo Bộ GTVT về tình hình bố trí vốn đối ứng cho công tác GPMB và chi phí khác; đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành bố trí vốn cho DA theo Quyết định điều chỉnh DA cuối năm 2014. Theo đó, vốn đối ứng từ NSNN cấp cho DA là 5.298 tỷ đồng (đã bao gồm dự phòng), trong đó vốn đối ứng cho công tác đền bù GPMB là 3.055 tỷ đồng và vốn đối ứng cho các chi phí khác (rà phá bom mìn, thuế VAT, chi phí khác của DA) là 2.243 tỷ đồng.
“Tính đến tháng 3/2015, vốn đối ứng đã được bố trí cho GPMB lũy kế từ đầu dự án là 1.638,5 tỷ đồng. Trong tổng số vốn NSNN đã bố trí, năm 2015, DA chỉ mới được cấp 200 tỷ đồng hiện đã giải ngân hết. Nhu cầu năm 2015 vẫn cần bổ sung thêm 1.479 tỷ đồng (trong đó GPMB là 1.084 tỷ đồng, chi phí khác 395 tỷ đồng)”- Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh phân tích.
Để hoàn thành cơ bản công tác GPMB, DA còn cần gần 1.500 tỷ đồng. Được Bộ GTVT cho phép, VEC đã tạm ứng kinh phí cho các địa phương gần 600 tỷ đồng (số vốn này tạm dùng cho GPMB và phải thu hồi hoàn trả lại) nhưng chưa đủ so với nhu cầu. Vì vậy, VEC đã báo cáo với Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội xem xét ưu tiên cấp đủ vốn đối ứng cho DA để giải quyết xong việc đền bù GPMB trong quý II/2015 và đảm bảo tiến độ hoàn thành DA trong năm 2017.
Làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh, thành có DA đi qua, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính- Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh "Các địa phương phải chậm nhất đến 30/6/2015 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho DA" |
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Bộ GTVT đã kiểm soát hết sức chặt chẽ thủ tục đầu tư, cắt giảm rất nhiều hạng mục đầu tư để không phát sinh thêm tổng mức đầu tư. Bộ giám sát chặt, thậm chí loại trừ các nhà thầu không đủ năng lực và đặt mục tiêu đưa dự án vào khai thác giữa năm 2017 (chứ không phải như dự kiến ban đầu là cuối năm 2017).
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT và VEC trong thời gian qua, đồng thời ghi nhận những khó khăn về vốn mà DA đang gặp phải.
“Muốn CNH- HĐH thì nhất thiết phải có đường cao tốc Bắc Nam. Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi là tuyến đường quan trọng được ưu tiên xây dựng trước với số vốn rất lớn nên Quốc hội rất quan tâm. Con đường này xong sớm chừng nào thì sẽ thay đổi bộ mặt KTXH 3 tỉnh thành trung trung bộ chừng đó. Hiện chúng ta giải ngân vốn ODA rất nhanh trong khi đó vốn đối ứng chạy không kịp. Các địa phương nên tạm thời ứng vốn trước, thậm chí có thể sử dụng nguồn nhàn rỗi của kho bạc để dự án sớm hoàn thành đồng thời có văn bản đề nghị Chính phủ có giải pháp tài chính", ông Hiển nói.
“Lãnh đạo 3 tỉnh nên cam kết 30/6 này xong GPMB để dự án về đích vào quý III năm 2017. Phải đơn giản hóa thủ tục, cùng nhau tháo gỡ. GPMB càng chậm thì càng khó khăn, dự án không thể đem lại hiệu quả sớm".
Thay mặt lãnh đạo 3 địa phương có DA đi qua, Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh hứa đến tháng 6/2015 nhất định sẽ xong phần tái định cư, trả mặt bằng sạch đầy đủ cho DA.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận