Quản lý

Địa phương cần chủ động nguồn kinh phí xóa lối đi tự mở

08/11/2018, 16:05

Luật Đường sắt 2017 quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong quản lý, xóa bỏ lối đi tự mở...

hoi-nghi-so-ket-thuc-hien-quy-che-phoi-hop-dam-bao

Các đại biểu cho rằng, địa phương cần thực hiện tốt trách nhiệm trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt đã được quy định theo Luật

Hôm nay (8/11), tại Đà Nẵng, Cục Đường sắt VN tổ chức sơ kết thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh trong công tác đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ, đường sắt khu vực miển Trung.

Tính đến 30/9/2018, vẫn còn tới 4.124 lối đi tự mở, chiếm tỉ lệ 73,2% tổng số giao cắt đường bộ -  đường sắt (giảm 138 vị trí so thời điểm 30/12/2017). Tổng số điểm vi phạm hành lang ATGT tiềm ẩn TNGT đường sắt hiện có là 1.598 vị trí. Trong đó, một số tỉnh trong khu vực còn nhiều lối đi tự mở như: Quảng Bình 186 vị trí, Bình Định 106 vị trí, Hà Tĩnh 102 vị trí, Thừa Thiên - Huế 90 vị trí... Về vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt, Nghệ An có đến 64 vị trí, Thừa Thiên - Huế có 35 vị trí, Quảng Nam có 25 vị trí. Đây là những vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chạy tàu cao.

TNGT đường sắt xảy ra ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại các lối đi tự mở. Nguyên nhân chủ yếu do chính quyền địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân về các giải pháp đảm bảo ATGT. Do vậy, quá trình rào thu hẹp các lối đi tự mở nguy hiểm bị một số người dân khu vực ngăn cản, phá dỡ 119 công trình. Còn nhiều tỉnh không tổ chức cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ xảy ra tai nạn như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

loi-di-tu-mo-o-Quang-Nam

Các lối đi tự mở nguy hiểm qua đường sắt, đi vào khu dân cư, công nghiệp, nhiều phương tiện và người dân qua lại cần được cảnh giới để ngăn TNGT - Ảnh minh họa

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng hàng rào, đường gom để xóa bỏ lối đi tự mở là giải pháp căn cơ, lâu dài, tuy nhiên đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Trong khi chờ đợi, cần có những giải pháp trước mắt như: địa phương cần quản lý tốt lối đi tự mở đã rào thu hẹp, không để dân phá bỏ; xử phạt nghiêm hành vi phá dỡ rào chắn thu hẹp lối đi tự mở, kể cả xử lý hình sự để tăng tính răn đe; đẩy mạnh tuyên truyền đến tận cấp cơ sở như phát thanh qua loa phường, xã, phát tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn qua đường sắt an toàn đến các tổ dân phố, thôn xóm; tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm...

“Nếu địa phương chưa có kinh phí cho tổ chức cảnh giới tại các lối đi tự mở nguy hiểm, có thể đầu tư thiết bị hỗ trợ cảnh báo, gia tăng sự chú ý của người dân khi đi qua đường sắt”, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN gợi ý.

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, Luật Đường sắt 2017 và văn bản dưới Luật đã quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong xử lý thu hẹp, quản lý, xóa bỏ lối đi tự mở. Vì vậy, địa phương cần chủ động thực hiện các giải pháp, kể cả về nguồn kinh phí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.