Xã hội

Địa phương mong sớm đầu tư cao tốc Bắc - Nam

31/10/2016, 10:33

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết, cao tốc Bắc-Nam không chỉ giải quyết áp lực giao thông...

1
Đầu tư cao tốc Bắc - Nam là rất cần thiết, không chỉ giải quyết áp lực giao thông đường bộ mà còn thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế đất nước (Trong ảnh: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) - Ảnh: Khánh Linh

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết, cao tốc Bắc - Nam không chỉ giải quyết được áp lực giao thông đường bộ mà còn góp phần thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế đất nước, nhất là khi tuyến QL1 dù đã được nâng cấp nhưng ngày càng quá tải trong những năm tới.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM thực hiện bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) với chiều dài 1.372km, tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 93.534 tỷ đồng (chiếm 40,7%).

2

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận:
Cao tốc Bắc - Nam vừa cần thiết, vừa cấp thiết

Theo tôi, việc đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông vừa cần thiết, lại vừa rất cấp thiết nên cần sớm triển khai. Trong vài năm tới, với lưu lượng hiện tại, QL1 dù đã được nâng cấp sẽ sớm quá tải. Đường cao tốc sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Nếu dự án phải sử dụng nguồn vốn quá lớn, có thể phân kỳ để lựa chọn những đoạn tuyến quan trọng thực hiện trước.

Chẳng hạn, với đoạn Dầu Giây – Phan Thiết, phải gấp rút triển khai ngay. Tiếp theo đó là tuyến Phan Thiết – Nha Trang. Tôi tin khi những đoạn tuyến này hoàn thành, không riêng gì Bình Thuận mà các tỉnh miền Trung sẽ có sự phát triển vượt bậc.

Cần đánh giá hiệu quả hay sự cần thiết của đường cao tốc, hãy nhìn vào tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Khi chưa có tuyến cao tốc này, hành khách từ TP.HCM đi Phan Thiết theo QL1 phải mất hơn 5 giờ đồng hồ. Các dịp lễ, Tết có khi mất gần cả ngày vì kẹt xe. Khi tuyến đường cao tốc này hoàn thành và đưa vào sử dụng, khách du lịch từ sân bay Tân Sơn Nhất về Phan Thiết chỉ mất 3 giờ đồng hồ. Nếu đoạn từ Dầu Giây - Phan Thiết có chiều dài 250km cũng được đầu tư, khi hoàn thành, thời gian từ TP.HCM đi Phan Thiết được rút ngắn chỉ còn hơn 2 giờ. Đây là một sự kết nối tuyệt vời.

Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2016, Bình Thuận đã đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch, tăng 6,5% so với năm 2015, trong đó khách quốc tế đạt 327 nghìn lượt. Để đạt được điều đó có sự đóng góp rất lớn của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đối với tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, từ khi có chủ trương xây dựng địa phương đã sớm kiểm kê, phê duyệt bồi thường GPMB. Tất cả các công việc đã hoàn thành, giờ chỉ chờ bố trí vốn để thực hiện. Hiện nay, nhân dân tỉnh Bình Thuận đang rất mong mỏi T.Ư sớm triển khai đầu tư dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam trong đó có tuyến Dầu Giây - Phan Thiết để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và giao thương hàng hóa giữa Bình Thuận và vùng Đông Nam bộ, Nam Trung bộ.

3

 

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An:
Doanh nghiệp địa phương sẵn sàng tham gia xã hội hóa đầu tư

Trục cao tốc Bắc - Nam không chỉ giải quyết được áp lực giao thông đường bộ mà còn góp phần thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế đất nước. Riêng đối với Nghệ An, việc có một tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh sẽ góp phần quan trọng trong việc kết nối hệ thống hạ tầng giao thông giữa địa phương với các tỉnh, thành khác và ngược lại; Góp phần làm giảm thời gian lưu chuyển hàng hóa từ cảng biển tới các vùng kinh tế, từ các nhà máy, khu công nghiệp tới nơi tiêu thụ.

Về nguồn vốn đầu tư, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông còn hạn hẹp, tỉnh cũng kiến nghị với Bộ GTVT, Chính phủ nên huy động các nguồn vốn xã hội, cân nhắc giữa các hình thức đầu tư xây dựng chuyển giao (BOT) và hình thức đối tác công tư (PPP). Về phía tỉnh Nghệ An, các doanh nghiệp của tỉnh cũng rất quan tâm đến dự án này. Một số doanh nghiệp tại địa phương đã chủ động liên hệ với một số nhà đầu tư của Hàn Quốc, nếu Bộ GTVT, Chính phủ kêu gọi xã hội hóa, các doanh nghiệp của tỉnh sẽ sẵn sàng tham gia.

4

 

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa:
Cần cơ chế rõ ràng về nguồn vốn trước khi triển khai

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và các Bộ, ngành chức năng vào tháng 8/2016, tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị T.Ư xem xét, sớm đầu tư tuyến cao tốc qua địa bàn. Chúng tôi rất đồng thuận với Đề án cao tốc Bắc - Nam, trong đó đoạn qua địa bàn Khánh Hòa và các tỉnh lân cận đóng vai trò quan trọng, cấp thiết. Ngoài tuyến cao tốc Cao Bá Quát - Cầu Lùng, mới đây, tỉnh đã đề xuất triển khai tuyến cao tốc Nha Trang - Phan Thiết, với điểm đầu từ xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa và kết thúc tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, do Ban QLDA 6 lập và trình Bộ GTVT.

Thời gian qua, việc đưa vào khai thác toàn tuyến QL1 sau khi được nâng cấp, mở rộng đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, kích thích thông thương hàng hóa, liên kết vùng. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển, mở rộng các khu kinh tế, khu công nghiệp, tốc độ lưu thông hàng hóa, phương tiện và nhu cầu tăng tốc vận tải đường bộ, việc có thêm tuyến cao tốc để phân lưu, giảm tải cho QL1 là rất cấp thiết. Vấn đề nguồn vốn triển khai, cần có cơ chế chính sách rõ ràng, tập trung thu hút nguồn lực ngoài xã hội trước áp lực ngân sách Nhà nước còn nhiều hạn chế hiện nay.

5

 

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình:
Đầu tư cao tốc Bắc - Nam, nhất thiết phải GPMB sạch

Tôi cho rằng, đề xuất của Chính phủ về việc đầu tư xây dựng một tuyến đường cao tốc Bắc - Nam là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng vì dự án rất cần thiết nên trong điều kiện hiện nay nếu không thực hiện đồng bộ ngay một lúc cũng nên cân nhắc một lộ trình để đầu tư. Theo đó, cần chọn đoạn tuyến nào cấp thiết nhất, bức bách nhất làm trước. Một số đoạn cấp thiết, có lưu lượng giao thông lớn, cần đầu tư ngay theo tôi là Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Phan Thiết, Phan Thiết - Nha Trang. Các đoạn tuyến còn lại có thể nghiên cứu triển khai trong một vài năm sau.

Về nguồn vốn đầu tư, con số gần 230.000 tỷ đồng là rất lớn, chắc chắn khó có thể huy động được từ nguồn lực trong nước. Do đó, theo tôi vẫn nên sử dụng nhiều nguồn vốn. Trong trường hợp vay vốn nước ngoài, nên cân nhắc lựa chọn để các đơn vị vay. 

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, chúng ta đã có kinh nghiệm trong quá trình triển khai các dự án trên QL1, để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án cao tốc Bắc - Nam, việc đầu tiên là cần làm tốt công tác GPMB hay nói cách khác, phải làm sao có mặt bằng sạch ngay từ đầu. Kế đó, phải có biện pháp giám sát chặt chẽ để đảm bảo tốt tiến độ, chất lượng trong tất cả các khâu từ tư vấn thiết kế, thi công đến nguyên vật liệu phục vụ dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.