Sáng 29/6, Bộ Y tế thông tin về kết quả tiêm nhắc 1 (mũi 3) là 44.867.465 mũi tiêm (66,8%). Trong đó, các tỉnh tiêm thấp là Khánh Hòa (41,8%); Bình Thuận (34,7%); Sóc Trăng (38,3%); Cà Mau (37,7%); Hậu Giang 35,1%), Đồng Nai (43,4%).
Tiêm vaccine phòng Covid-19 (ảnh minh họa)
Các tỉnh tiêm cao là Ninh Bình (90,9%); Thanh Hóa (93,3%); Bắc Giang (95,3%), Bến Tre (91,8%)
Kết quả tiêm nhắc 2 (mũi 4) là 3.831.205 mũi tiêm (chiếm 5,7%), trong đó, tỉnh tiêm thấp: Phú Thọ (1,1%), Hải Dương (1,6%), Bắc Kạn (0,3%), Nghệ An (1,2%), Quảng Nam (0,9%); Bến Tre (1,7%);
Và các tỉnh có tỷ lệ tiêm cao là Bắc Giang (23,1%); Quảng Ninh (20,9%); Hậu Giang (15,6%).
Theo bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, ngành y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vaccine đến gần với người dân. Người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vaccine ở các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động (tại trường học, nhà máy, thôn bản…) và tiêm chủng tại nhà để đảm bảo độ bao phủ mũi tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng Covid-19.
Có những điểm tiêm chủng mở 24/7 thuận tiện cho người dân đến tiêm chủng, nhất là khi người dân đã quay trở lại đi làm, đi học. Đồng thời, ngành y tế và chính quyền các cấp cũng đã nỗ lực truyền thông vận động người dân đi tiêm chủng mũi nhắc lại.
Tuy nhiên, trước thực tế nhiều người dân đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết, bà Hồng khuyến cáo: "Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vaccine phòng Covid-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới, việc tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 là cần thiết để duy trì bền vững hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận