Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, sau khi Báo Giao thông phản ánh tình trạng các sản phẩm tã giấy, bỉm thứ phẩm của Công ty Cổ phần Diana đang bán tràn lan trên thị trường, Chi cục QLTT Hà Nội đã cử nhân viên đi kiểm tra. Tại một số địa chỉ được kiểm tra, QLTT đã phát hiện có tình trạng cất giữ và bày bán hàng Diana thứ phẩm như báo phản ánh. Ở một số đầu mối bán bỉm, tã giấy “hàng trần” quy mô lớn (như PV thâm nhập điều tra), lực lượng QLTT phát hiện có hàng nhưng không nhiều, theo lời ông Nguyễn Đắc Lộc: “Có khả năng sau khi báo đăng, người bán đã chuyển hàng đi nơi khác. Cái khó của chúng tôi khi xử lý vấn đề này là phần lớn người bán đều cất giữ hàng tại nhà riêng chứ không bày bán ở cửa hàng. Mà để kiểm tra địa chỉ nhà riêng là cả một vấn đề”.
Hệ thống phân phối của Diana có mặt tại 64 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 30.000 cửa hàng bán lẻ, siêu thị. Thị phần của Diana trên thị trường băng vệ sinh và tã giấy có mức tăng trưởng trung bình 30%/năm và dự kiến tăng đáng kể khi nhà máy băng - tã - bỉm và khăn ướt tại Bắc Ninh đi vào hoạt động (cuối năm 2014) với trên 5 tỷ sản phẩm được sản xuất mỗi năm. |
Theo ông Lộc, lực lượng QLTT gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý là do các mặt hàng tã, bỉm Diana thứ phẩm thuộc danh mục hàng hóa nội địa, hình thức mua bán theo cơ chế tự nguyện giữa các cá nhân, nếu người bán cố tình giấu đi đầu mối mua hàng thì khó tìm ra. “Theo đúng nguyên tắc, mua bán phải có hóa đơn, chứng từ. Chúng tôi căn cứ vào điều này là có thể xử lý được. Nhưng vấn đề ở đây là những trường hợp bị phát hiện cũng chỉ là cá nhân nhỏ lẻ, xử lý họ cũng chỉ là giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Còn để đào đến tận gốc rễ, bản thân nhà sản xuất - Công ty Cổ phần Diana phải vào cuộc”, ông Lộc nói.
Đánh giá mức độ sai phạm của hành vi tuồn các sản phẩm tã giấy, bỉm Diana bị lỗi ra thị trường, ông Lộc khẳng định: “Đã là hàng thứ phẩm thì tuyệt đối không được đem bán. Tôi được biết các sản phẩm của Công ty Cổ phần Diana đều được sản xuất trên dây chuyền hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 9001:2000 - PV). Thế nên bất luận là bị lỗi ở khâu nào thì sản phẩm đều được coi là không đảm bảo chất lượng. Mà đã không đảm bảo thì không được bán ra thị trường”.
Chi cục trưởng QLTT Hà Nội cũng bày tỏ mối nghi ngờ đối với lời giải thích của Diana về việc “tiêu dùng nội bộ” các sản phẩm bỉm, tã giấy bị lỗi. “Nhà sản xuất nói rằng hàng thứ phẩm chỉ cho lưu hành nội bộ, tức là cho cán bộ, công nhân viên trong công ty sử dụng. Mới nghe thấy có vẻ hợp lý, nhưng thử đặt ngược lại vấn đề: Cả công ty Diana có bao nhiêu nhân viên và mỗi người trong số họ có bao nhiêu thân nhân là trẻ em trong độ tuổi có thể sử dụng các sản phẩm tã, bỉm lỗi ấy? Trong khi dây chuyền sản xuất của nhà máy vẫn hoạt động đều đặn mỗi ngày. Cùng với đó là số hàng lỗi bị máy móc loại ra cũng... liên tục phát sinh. Số lượng hàng lỗi là không hề nhỏ. Tôi cho rằng cho dù nhu cầu nội bộ của công ty này có lớn đến mức nào thì vẫn không thể sử dụng hết số hàng lỗi sinh ra”, ông Lộc phân tích.
Nguyễn Quý
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận